Đời sống
Điểm mặt những kẻ lừa đảo nổi tiếng trong thần thoại bốn phương
“Tricksters” là kiểu nhân vật rất phổ biến trong thần thoại và truyện dân gian, mang sắc thái trào lộng và hài hước, nhưng đôi khi cũng là những kẻ trộm cắp hoặc đùa ác có hạng.

Maui là vị thần sức mạnh, vị thần lừa lọc, người biến hình, người anh hùng vĩ đại trong mắt những người phàm trần trong thần thoại Polynesia. 

Hermes là vị thần đưa tin, bảo hộ cho thương nghiệp, là kẻ dẫn đường tới cõi chết trong thần thoại Hy Lạp, ông cũng là vị thần của nghề trộm cắp, và dĩ nhiên rồi, là một kẻ lừa đảo có hạng. Hermes là con của Zeus và nữ thần Maia, con gái của Atlas – vị titan phải gánh cả trái đất trên lưng.

Thỏ Br’er là kẻ lừa bịp trong những câu chuyện dân gian của người Mỹ gốc Phi, nằm trong bộ sưu tập truyện dân gian Uncle Remus của tác giả Joel Chandler Harris.

Coyote là một kẻ lừa đảo tinh ranh của rất nhiều bộ tộc da đỏ Bắc Mỹ, chủ yếu là các bộ tộc miền Trung và Tây Hoa Kỳ. Hình dạng của gã được dựa trên loài chó rừng coyote, nhưng đôi khi cũng được nhân hóa như một gã người lông lá đi bằng hai chân. Mỗi dân tộc kể một kiểu về Coyote, nhìn chung thì hắn chõ mũi vào đủ thứ chuyện, từ chuyện tạo ra trời đất, mặt trời mặt trăng, đến chuyện đời sống con người, đâu cũng thấy hắn nhảy vào phá đám.

Trạng Quỳnh là một nhân vật lưu truyền trong dân gian Việt Nam sống ở thời đại vua Lê chúa Trịnh, với tính cách trào lộng hài hước dám thách thức và đả kích sự mục nát của triều đại phong kiến thời bấy giờ. Dù không đỗ đến Trạng nguyên nhưng ông vẫn được người đời yêu quý và gán cho biệt danh là “Trạng”. Có nguồn cho rằng ông tên thật là Nguyễn Quỳnh, một vị danh sĩ cùng thời, nhưng sự liên quan giữa hai nhân vật này cũng chưa được xác thực.

Tanuki là một trong những loài yêu quái nổi tiếng nhất, đáng yêu nhất và cũng… lém lỉnh bậc nhất trong thần thoại Nhật Bản.

Nữ thần Laverna của người La Mã, vị nữ thần của trộm cắp và lừa gạt. Vị nữ thần này không sống trên trời cùng các thần khác mà lẩn lút trong loài người làm những trò tinh quái, đặc biệt cánh đàn ông là đối tượng lừa gạt được ưa chuộng của cô ta.

Anansi là vị thần lừa gạt nổi tiếng mang hình dáng loài nhện đến từ dân tộc Ashanti ở Tây Phi. Đối với người Ashanti, ông còn là vị thần đem mưa, màn đêm và tri thức đến cho con người. Sang châu Mỹ, hắn được gọi bằng những cái tên khác như Aunt Nancy, Anancy, gắn liền với những câu chuyện lừa gạt tinh quái, bảo hộ cho khát vọng chống trả của người da màu thoát khỏi ách nô lệ.

Một đại diện đến từ Việt Nam đó chính là thằng Cuội. Có hai phiên bản Cuội trong truyện dân gian Việt, một là “chú Cuội ngồi gốc cây đa”, và hai là “thằng Cuội nói dối”, nhưng ngày nay hai phiên bản Cuội cũng thường được hợp nhất với nhau để kể cho các em nhỏ nhân dịp Trung thu.

Loki – gã thần lừa đảo của thần thoại Bắc Âu, con trai của những gã khổng lồ Jotun. Hắn là “em kết nghĩa” với Odin, được Odin đưa về sống cùng những vị thần Asgard, nhưng sự dối trá của hắn đem tới không ít rắc rối cho các vị thần. Biệt tài của hắn là khả năng biến hình thành sinh vật khác, đây là mánh lới chính hắn dùng cho những trò bịp bợm.

Huehuecoyotl là vị thần tinh quái của âm nhạc và vũ hội trong thần thoại Aztec. Ông cũng là vị thần của sức hấp dẫn giới tính. “Huehue” có nghĩa là “rất già”, “coyotl” thì gần giống Coyote, do đó Huehuecoyotl cũng chỉ là một phiên bản Coyote của người Aztec với hình dạng con chó rừng. Điều khác biệt là những trò lừa bịp của Huehuecoytl thường phản chủ khiến ông thần ê chề trước mặt mọi người, nên ông được người Aztec rất quý mến, coi như linh hồn của bữa tiệc.

Trong những câu chuyện dân gian của các nước Tây Âu như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Anh, có một chú cáo tên là Reynard, một kẻ bịp bợm đại diện cho tầng lớp nông nô nghèo hèn, luôn tìm cách chiến thắng bọn địa chủ cường hào ác bá. Những đối tượng bị cáo Reynard lừa rất đa dạng, có cả vua sư tử Noble – một ông vua được tôn kính nhưng giỏi nhận hối lộ, anh gà trống Chanteclair, mèo Tybert, và đặc biệt là lão sói Ysengrin, ông chú tham lam kẹt xỉ của Reynard. 

B.L (Theo Epic)


Bình luận

Tin cùng chuyên mục