Đời sống
Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững
Kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng khá phổ biến trong lĩnh vực nông nghiệp. Những mô hình kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện nhiều năm nay, đem lại giá trị không chỉ cho người sản xuất mà còn đặt nền móng cho một quá trình phát triển mới hướng đến bền vững, mang lại đa giá trị cho nền nông nghiệp của nước ta.

Một quy trình sản xuất kép kín đã diễn ra nhiều năm qua tại trang trại ở huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận này. Không chỉ có cỏ mà toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp được thu gom làm thức ăn cho 700 con bò và cừu. Phân của đàn gia súc tiếp tục được sử dụng làm thức ăn cho trùn quế. Sau khi được chuyển hóa thành phân vi sinh, sẽ đem bón cho cây trồng ở trong trang trại.

Anh Lê Minh Vương – Trang trại Nắng và Gió, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận: “Sắp tới, mình sẽ mở rồng thêm các diện tích nuôi trồng quế. Chúng ta có thể thêm nhiều sản phẩm phân trùn để không chỉ cung cấp cho trang trại mà còn cung cấp cho bà con nông dân trồng nho, táo, dưa lưới xung quanh đây.”

Tương tự, tại tỉnh Bến Tre – “thủ phủ” của cây dừa, cũng đã xuất hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, giúp hạn chế lãng phí phụ phẩm từ trái dừa mà lại tăng hiệu quả kinh tế. Cụ thể, để ương một cây dừa, thông thường sẽ mất một trái dừa. Nhưng nhờ quy trình cấy phôi trong phòng thí nghiệm mà các nhà máy vẫn tận dụng được trái dừa cho sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Trúc Liên – Giám đốc khối Nguyên liệu, Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Bến Tre: “Mình lấy ở vùng nguyên liệu 1 trái dừa về, mình trả xuống vùng nguyên liệu 1 cây dừa nhưng mình không mất 1 trái dừa, mà chỉ dùng cái phôi của trái dừa thôi, mình tận dụng được vỏ dừa, cơm dừa, gáo dừa. Nó đi theo 1 cái chuyền tái tạo lại vườn dừa tránh lãng phí xã hội rất lớn, giúp giảm giá thành cho phần của chính phẩm.”

Kinh tế tuần hoàn đang hiện diện bằng những mô hình nông nghiệp thiết thực và hiệu quả. Kinh tế tuần hoàn, hiểu đơn giản là đầu ra của ngành này có thể sử dụng làm đầu vào của ngành khác, không lãng phí nguồn lực, thậm chí có thể tiết giảm nhiều chi phí. Từ đó thúc đẩy chuyển đổi nền sản xuất nông nghiệp đơn giá trị, sang tích hợp, tạo ra đa giá trị.

Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Ngoài việc giải quyết khâu kỹ thuật, thì sơ chế chế biến đặc biệt là chế biến sâu phải làm đảm bảo thị trường trong nước và xuất khẩu, đấy chính là kinh tế tuần hoàn. Từ tổ chức sản xuất nông nghiệp sang kinh tế Nông nghiệp sẽ được hạch toán ở tất cả các khâu.”

Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia Kinh tế: “Những doanh nghiệp làm kinh tế xanh tốt thì bản thân mình nâng cao được năng lực cạnh tranh, thuyết phục được người tiêu dùng, tạo cơ sở cho doanh nghiệp phát triển bền vững cho tương lai. Và một điều khác là việc đó sẽ giúp doanh nghiệp đi theo hướng phát triển bền vững được theo kịp được những trào lưu quan trọng trên thế giới.”

Hiệu quả và giá trị từ những mô hình kinh tế tuần hoàn tiên phong mang lại cho thấy, nông nghiệp Việt Nam còn dư địa rất lớn để tiếp tục chuyển đổi. Đây cũng là xu hướng phát triển bền vững của ngành nông nghiệp./.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục