Đời sống
Thuần hóa loài cá “có chân” ở Cà Mau
Cá thòi lòi là loài có chân, sống trong môi trường tự nhiên, thường xuất hiện ở các sông rạch và sống trong vuông tôm của người dân… Là loài sống tự nhiên, không nuôi nhốt, nhưng ở ấp Bá Huê, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi lại có một anh nông dân đã thuần hóa thành công cá thòi lòi.

Khi anh Lê Văn Dô ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau thấy cá thòi lòi thường ra cống khi con nước sổ, anh quyết định phải thuần hóa chúng, nuôi nhốt như các loại cá khác. Những tháng mưa, cá thòi lòi thường đi kiếm ăn nhiều hơn, vì thế theo dòng nước, cá thòi lòi ra vuông của người dân rất nhiều. Anh Dô bắt đầu thả cá thòi lòi vào ao.

Anh Dô đào ao khoảng 40m2, xung quanh rào lưới cẩn thận, không cho cá thoát ra ngoài. Ban đầu anh Dô nuôi khoảng 10 con, sau một tháng đã quen môi trường sống mới thì anh bắt đầu cho ăn. Cứ thế, đến nay, ao cá thòi lòi của anh Dô khoảng 200 con, bình quân khoảng 4-5 con/kg, được xem là cá thòi lòi có kích thước lớn.

Cá thòi lòi di chuyển trên nước liên tục, anh Dô đã làm phao nổi cho cá thòi lòi bò lên, giúp cá thoải mái khi sống trong môi trường nuôi nhốt. Dù sống ở môi trường nào, nếu có điều kiện thuận lợi thì cá thòi lòi vẫn giữ nguyên đặc tính của nó.

Cá thòi lòi được xem là một trong những loài đặc trưng của vùng sông nước Cà Mau. Thuần hóa cá thòi lòi và đạt được thành công ban đầu là niềm vui của anh Dô và bà con nông dân nơi đây.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục