Người nổi tiếng
Chuyện Cảnh Giác: Giả mạo ứng dụng vay tiền
Thời gian qua, dư luận không ngừng xôn xao trước vụ việc nhiều nạn nhân thực hiện vay tiền qua ứng dụng điện thoại, để rồi “rơi vào bẫy” của các tổ chức cho vay nặng lãi khiến nợ chồng nợ, lãi chồng lãi, trả mãi không dứt. Và mới đây, các đối tượng lừa […]

Thời gian qua, dư luận không ngừng xôn xao trước vụ việc nhiều nạn nhân thực hiện vay tiền qua ứng dụng điện thoại, để rồi “rơi vào bẫy” của các tổ chức cho vay nặng lãi khiến nợ chồng nợ, lãi chồng lãi, trả mãi không dứt. Và mới đây, các đối tượng lừa đảo lại tiếp tục tung ra chiêu trò mới, giả mạo công ty tài chính, dẫn dụ người dân vay tiền lãi suất cao. Mặc dù đã có sự cảnh giác, tuy nhiên, nạn nhân trong câu chuyện sau đây vẫn không thoát khỏi thủ đoạn này. 

Chị Tình cho hay, chị liên tục nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng “nhân viên tư vấn Công ty tài chính bưu điện” và mời chào vay tiền với lãi suất chỉ khoảng 0,7%/tháng, thủ tục đơn giản thông qua ứng dụng X trên điện thoại.

Đến hôm sau, một người khác xưng tên Hà Đức Tâm và là “thẩm định viên Công ty tài chính bưu điện X” kết bạn Zalo với chị Tình để hướng dẫn vay tiền.

“Do muốn bán quần áo online để kiếm thêm thu nhập nên tôi định vay khoảng 40 triệu đồng. Sau khi tìm hiểu trên mạng thì tôi thấy tên công ty này uy tín, nên không nghĩ gì mà quyết định tải app theo hướng dẫn về vay thử”, chị Tình kể.

Sau khi gửi thông tin cá nhân cho người tên Tâm, chị Tình được thông báo hồ sơ vay đã được thông qua và được hướng dẫn vào app “X”, đăng nhập vào ví điện tử rồi thực hiện rút tiền với mã rút tiền do Tâm cung cấp.

Tuy nhiên sau khi nhập mã thì hệ thống báo lỗi, không cho rút tiền. Tâm sau đó cũng gửi cho chị Tình một mẫu thông báo với nội dung:

“Do phát hiện lỗi sai sót thông tin ngân hàng, vì vậy hệ thống tạm thời treo số tiền 40 triệu đồng là khoản tiền giải ngân hợp đồng vay tín dụng của quý khách… Yêu cầu khách hàng thực hiện lệnh đính chính thông tin bằng cách chuyển số tiền 12 triệu đồng (30% khoản vay) vào tài khoản. Sau khi xác minh, khách hàng có thể rút về 52 triệu đồng…”.

Nghĩ do bản thân sơ suất, nhập sai thông tin dẫn đến lỗi trên nên chị Tình chuyển khoản ngay 12 triệu đồng.

Thế nhưng, một lần nữa ứng dụng này lại báo lỗi khi chị Tình thực hiện thao tác rút riền. Theo chị Tình, lúc này có một người gọi điện thoại xưng là “kiểm soát viên” và thông báo chị Tình nhập sai ký tự nên chưa thể rút tiền và yêu cầu chị chuyển thêm 12 triệu đồng để xác minh tài khoản, sau đó sẽ rút được 64 triệu đồng.

Dù tiếp tục chuyển tiền thêm nhưng chị Tình vẫn không tài nào rút được tiền. Trong khi đó các đối tượng vẫn tiếp tục mồi chài chị Tình chuyển thêm tiền “để khắc phục lỗi”. Lúc này, biết bị lừa nên chị Tình đến Công an phường 13, quận 11 trình báo.

Người dân nên hết sức cẩn trọng khi vay tiền qua các ứng dụng trên điện thoại, tốt nhất là nên đến tận công ty tài chính làm hợp đồng, giao dịch trực tiếp với nhân viên của đơn vị cho vay tiền, để tránh các tình huống lừa đảo. Bên cạnh đó, tuyệt đối không cung cấp mật khẩu tài khoản ngân hàng điện tử cũng như mã OTP cho kẻ lạ, đồng thời, cũng không thực hiện những yêu cầu chuyển tiền với mục đích không rõ ràng, từ các đối tượng không rõ danh tính, để tránh mất mát tài sản oan uổng. 

Ngoài ra, người dân cũng cần lưu ý, chỉ nên thực hiện vay tiền qua ngân hàng hoặc các tổ chức uy tín, để tránh vướng vào những đường dây cho vay nặng lãi.

(Hình ảnh trong bài viết là diễn viên tái hiện tình huống, chỉ mang tính minh họa)

Quý vị đừng quên đón xem Chuyện Cảnh Giác được phát sóng vào lúc 16 giờ 40 phút vào Chủ nhật hằng tuần trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục