Người nổi tiếng
“Huyền thoại lồng tiếng” phim TVB Bích Ngọc: Khóc theo cảm xúc của nhân vật
Diễn viên Bích Ngọc được xem là một trong những "phù thủy lồng tiếng" thuộc thế hệ tiên phong ở Việt Nam thập niên 90. Cô có khả năng đổi giọng nhanh như chớp và không ngán bất cứ lứa tuổi nào.

Yêu thích sân khấu nhưng Bích Ngọc lại gắn bó với nghề lồng tiếng đến tận bây giờ. Giọng nói “huyền thoại” của cô đã trở thành một phần tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X gắn liền với những bộ phim “Mối tình nồng thắm”, “Hồ sơ công lý”, “Tây Du Ký”, “Võ Tắc Thiên”,… Dù đã ngoài 50 tuổi nhưng cô Bích Ngọc vẫn miệt mài cống hiến sau thành công mỗi bộ phim.

Cho rằng mình là người đa sầu đa cảm, cô Bích Ngọc chia sẻ khi vào vai những nhân vật có hoàn cảnh nghiệt ngã, đau khổ, cô cũng không kìm được cảm xúc mà khóc theo. Tuy nhiên, cho dù trong phim nhân vật diễn đạt như thế nào, bản thân cô Ngọc là diễn viên lồng tiếng vẫn phải luôn làm chủ được cảm xúc của mình.

Cô chia sẻ: “Mình khóc nhưng mình vẫn phân định rõ mình khóc cho nhân vật đó và người diễn viên ở trên phim khóc như thế nào thì mình khóc như thế đó, chứ không phải người ta khóc ít, mình khóc nhiều, người ta nín rồi mình vẫn tiếp tục khóc”.

Không phải vô tình mà khán giả đặt cho cô Bích Ngọc những cái tên rất danh giá như “Phù thủy lồng tiếng”, “huyền thoại lồng tiếng”. Nhìn lại tất cả những phim ảnh mà cô Ngọc đã từng lồng tiếng, chưa có vai nào làm khó được cô. Từ vai thiếu nữ, phụ nữ trung niên đến con nít, bà già, cô đều có thể vào vai xuất sắc.

“Mỗi đối tượng nhân vật sẽ có những kỹ thuật lồng tiếng khác nhau. Ví dụ với những cô tiểu thư, công chúa thì phải nói tròn vành rõ chữ. Với vai luật sư, mình phải nói giọng cứng lên, lời lẽ đanh thép, sắc bén. Với vai người già và con nít cũng đều có kĩ thuật lồng tiếng khác nhau”.

Diễn viên Bích Ngọc chia sẻ, vai diễn A Thể trong phim “Mối tình nồng thắm” là vai mà cô ấn tượng nhất trong sự nghiệp lồng tiếng của mình. Cô kể hồi đó, tổ lồng tiếng mỗi người đảm nhiệm đến 3, 4 vai một lúc, già trẻ khác nhau. Khi đụng vai (nghĩa là lồng tiếng cho cả 2, 3 nhân vật cùng một lúc), cô Ngọc và các bạn diễn khác phải lên tông, xuống tông liên tục.

“Phải nói bộ phim đó cả tổ lồng tiếng làm rất cực nhưng bù lại phim rất hay, rất xúc động. Má tôi thường vẫn giận chuyện tôi bỏ sân khấu đi lồng tiếng nhưng khi tôi đưa cuốn băng bộ phim này, má tôi xem xong từ đó không nói gì nữa. Chính vì vậy, đây là bộ phim rất ấn tượng, rất ý nghĩa đối với tôi”. 

“Có những lúc tôi tưởng mình phải bỏ nghề vì đau họng quá. Nhất là thời gian làm thuyết minh. Lồng tiếng còn có quãng thời gian nghỉ khi tới vai người khác nhưng thuyết minh thì phải đọc suốt, đọc liên tục từ đầu tới cuối.

Lần đầu tiên thuyết minh cho phim truyện, tôi đã phải đọc liên tục cho 30 tập cho phim Mỹ. Khác với phim Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, khi thuyết minh phim Mỹ, mình không nói nhẹ nhàng mà phải phát âm, nhả chữ thật sắc bén, mạnh mẽ. Sau đó về nhà, gần như cổ họng banh ra, khan tiếng. Uống nước cũng đau vì thanh quản bị sưng. Lần đó cứ tưởng mình hư giọng luôn sẽ không thể làm nghề được nữa. May mắn là uống thuốc và chịu khó kiêng cử, cuối cùng lại khỏi“, cô Bích Ngọc chia sẻ những khó khăn của nghề diễn viên lồng tiếng.

Đối với diễn viên lồng tiếng, giọng là thứ quý giá nhất nên ai cũng chăm sóc giọng rất kỹ. Bởi thế đi làm về, cô Ngọc không dám nói chuyện với chồng con, cha mẹ để giữ giọng hôm sau đi làm tiếp. Mặc dù thường xuyên chăm sóc cổ họng nhưng chuyện bị khan tiếng là hết sức bình thường.​

Chính vì vậy, thế hệ diễn viên lồng tiếng ngày xưa rất yêu nghề. Để bám trụ lại được với nghề tới ngày hôm nay đòi hỏi người diễn viên lồng tiếng phải có đam mê rất lớn.

Kết thúc buổi trò chuyện với Topsao, cô Ngọc thủ thỉ tâm sự: “Nghề lồng tiếng cũng như con tằm nhả tơ. Trong tất cả những vai mình thể hiện, dù là trên sân khấu hay lồng tiếng sẽ có những vai mình lồng tiếng rất hay, cũng có những vai mình lồng tiếng chưa hay. Nhưng dù sao đi chăng nữa, các diễn viên lồng tiếng cũng như con tằm nhả tơ vẫn miệt mài làm việc, mong sao đem đến cho cuộc đời, ngành nghệ thuật những vai diễn ấn tượng và cảm động”.

                                                                                                                                        Bài: Ngọc Linh
Thiết kế: Sỹ Nhã
Hỗ trợ địa điểm: Phòng thu Song Ngư


Bình luận

Tin cùng chuyên mục