Bên cạnh việc mang lại giá trị kinh tế, khi thốt nốt vào vụ cũng là lúc người dân bắt đầu nghề tay trái hết sức thú vị chính là nghề lấy nước thốt nốt. Nghe qua thì đơn giản nhưng các thợ leo cây phải trèo đến ngọn cây cao hàng chục thước mới có thể thu hoạch sản vật trời cho.
Cây thốt nốt được trồng nhiều tại vùng Bảy Núi thuộc 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Nơi đây có đông đồng bào Khmer sinh sống nên việc lấy nước từ hoa thốt nốt để nấu đường, hái trái bán làm nước giải khát,…. giúp bà con có thêm thu nhập đáng kể. Vụ mùa thốt nốt thường kéo dài từ tháng chạp đến tháng 5 âm lịch.
Công việc lấy nước từ hoa thốt nốt mang lại thu nhập khá nhưng cũng vất vả, nguy hiểm. Cây thốt nốt để lấy nước phải là những cây có độ tuổi từ 12-15 năm nên khá cao. Vào tháng 2 – 3 là thời điểm hoa thốt nốt bắt đầu cho nước nhiều nhất. Lúc này người trèo cây lấy khoảng 100-300 lít đường/ngày. Giá mỗi lít nước đường khoảng 5.000 đồng.
Anh Nguyễn Văn Linh – Xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang
“Như anh giờ một ngày 3,4 trăm lít…khi rộ 6,7 trăm lít”
Để lên được tới ngọn cây thốt nốt, người thợ phải sử dụng thang để trèo. Thang được làm bằng nhánh tre già, khi đẽo chừa phần mắc để người leo cây bám vào. Tùy chiều cao của cây thốt nốt mà thang có độ dài ngắn khác nhau. Các cây thốt nốt mọc sát nhau thì chỉ đặt một chiếc thang để leo lên và trên ngọn cây có một “đòn tay” buộc bằng lá thốt nốt để người thợ di chuyển qua lại.
Anh Huỳnh Văn Dũng – Xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang
“50 cây mỗi ngày mình lấy được chục can này…cuối tháng 3 mới bớt lại.”
Dù công việc cực nhọc, nguy hiểm nhưng nụ cười vẫn nở trên môi của những người làm nghề. Vì đó là lúc họ được thấy những giọt “mật” tươm ra từ bông của loài cây này. Thứ nước thơm ngon đặc trưng ấy là kết tinh của đất, trời vùng Bảy Núi ban tặng cho con người./.