Nhắc đến Ca Huế, mọi người đều nghĩ đến không gian yên bình trên sông Hương, từng lời ca trên thuyền rồng cất lên làm xao động lòng người. Tuy nhiên, Ca Huế có một câu chuyện riêng của mình gắn với lịch sử và văn hóa Huế, từ cung vua phủ chúa đến khi bước lên thuyền rong ruổi mỗi đêm trăng thanh.
Ngày nay, ở những gia đình con cháu vua chúa xưa vẫn giữ được nét đẹp trong nếp sinh hoạt của gia đình mình giữa cuộc sống hiện đại. Bửu Thi và Thúy Vi có dịp đến thăm Phủ Ngọc Sơn Công Chúa.
Ngôi phủ được xây dựng năm 1921 dưới đời vua Khải Định, nơi thờ tự của công chúa Ngọc Sơn, nhũ danh là Nguyễn Phước Hỷ Hỷ, con gái của vua Đồng Khánh (1885 – 1889). Người thừa tự hiện thời ngôi phủ thờ là bà Nguyễn Thị Sương, cháu nội phò mã Nguyễn Hữu Tiến. Sự am hiểu về lịch sử và văn hóa Huế của gia đình chính là yếu tố quan trọng. Ngôi phủ thờ Ngọc Sơn công chúa được bảo lưu trọn vẹn, đặc biệt là tình yêu ca Huế trong gia đình vẫn được gìn giữ.
Con gái bà Sương là Tiến sĩ Phan Thuận Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện Huế. Chị Thảo chia sẻ, từ đời các cụ đã có truyền thống mời bạn bè đến nhà đàn ca Huế môi dịp trăng thanh gió mát.
Tiến sĩ Phan Thuận Thảo chia sẻ về tình yêu ca Huế của gia đình mình.
Ca Huế được định hình với một số bài bản rút ra từ tế nhạc cung đình. Đây là một loại hình âm nhạc bác học phát triển cùng với sự tham gia sáng tác, biểu diễn của nhiều văn nhân, nho sĩ, quan lại, các ca nương, nhạc công tài năng dưới triều Nguyễn.
Dàn nhạc ca Huế là Ngũ tuyệt: đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tì bà, đàn nhị.
Năm nhạc cụ với âm cao, âm trầm, âm trung khác nhau kết hợp với tiếng hát trau truốt, luyến láy tinh tế khiến cho ca Huế nâng tầm trở thành thể loại âm nhạc bác học trong kho tàng âm nhạc của dân tộc.
Môi trường diễn xướng của Ca Huế thường ở trong một không gian hẹp, số lượng người trình diễn và người nghe hạn chế, do tính chất của âm nhạc mang tính tâm tình, tự sự. Những đêm thanh êm đềm, tiếng ca Huế chậm rãi, thong dong, khoan thai lại cất lên như cốt cách của người Huế.
Phong cách đàn và ca trong Ca Huế coi trọng sự nhấn rung, tỉ mỉ mang phong thái đài các. Lời ca Huế mang tiếng bác học với nhiều bài bằng tiếng Hán, có sử dụng điển tích, điển cố. Ba mảng đề tài lớn gồm: ca ngợi đất nước, quê hương xứ sở; đề tài về tình yêu đôi lứa và đề tài về sự chiêm nghiệm nhân sinh quan của tác giả.
Các buổi ca Huế thường được diễn ra vào ban đêm, không chỉ có cảnh vật xung quanh yên tĩnh mà cả tâm hồn của người chơi nhạc cũng trầm tĩnh, phong thái nghiêm trang và luôn mong có được người đồng điệu thưởng thức.
Trải qua thời gian, ca Huế bước ra khỏi cung đình đi vào đời sống dân gian. Lời ca gần gũi hơn, mộc mạc hơn. Họ hát trên sông, trên thuyền, họ hát khi gặp nhau bày tỏ tấm lòng. Lẽ vì vậy mà sông Hương thanh bình là một môi trường diễn xướng quen thuộc dành cho nhiều người yêu ca Huế tìm đến.
Nếu như miền Bắc có ca trù, miền nam có đờn ca tài tử thì miền Trung có ca Huế để những ai đến đây đều thêm thương thêm nhớ.
Chương trình Việt Nam mến yêu sẽ tiếp tục gửi tới quý khán giả những câu chuyện thú vị và ý nghĩa về con người và vẻ đẹp của Việt Nam trên khắp giải đất hình chữ S. Chương trình được phát vào lúc 19h50’ thứ 7 hàng tuần trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1 với sự đồng hành của nhãn hàng An Trĩ Vương – Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia.
Topsao