Thức ăn nhanh là gì?
Thức ăn nhanh là loại thức ăn được chế biến nhanh, phục vụ nhanh và thưởng thức chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Thậm chí, thức ăn được nấu sẵn và chỉ hâm lại trước khi phục vụ tại chỗ hoặc dễ đóng gói mang đi.
Thuật ngữ thức ăn nhanh được công nhận vào năm 1951 và xuất hiện trong từ điển bởi Merriam – Webster.
Nguồn gốc của thức ăn nhanh
Thuật ngữ thức ăn nhanh dùng để chỉ những loại thực phẩm được nấu sẵn để bán, nó được gắn liền với sự phát triển của đô thị khi con người ngày càng trở nên bận rộn với cuộc sống cũng như ưa chuộng những loại thức ăn để tiết kiệm thời gian chế biến và chi phí hơn.
Cụ thể, những ngôi nhà ở các thành phố lớn thường thiếu không gian nấu ăn hoặc không đủ dụng cụ để chuẩn bị và chế biến thực phẩm. Thậm chí việc mua nguyên liệu nấu ăn cũng có thể nhiều tiền ngang ngửa với sản phẩm đã được chế biến sẵn.
Đồng thời, việc chiên thực phẩm cũng có thể gây ra hỏa hoạn. Vì thế, người dân thành thị lúc bấy giờ được khuyến khích mua các loại thịt hoặc tinh bột được chế biến sẵn như bánh mì ở bên ngoài. Nhất là trong thời kỳ bùng nổ kinh tế Mỹ sau Thế chiến thứ hai, người Mỹ bắt đầu chi tiêu và mua sắm nhiều hơn.
Tùy vào mỗi vùng và văn hóa đất nước mà thức ăn nhanh cũng có nhiều loại, như pizza, bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ (còn gọi là bánh mì Kebab), bánh hamburger, khoai tây nghiền, bánh mì sandwich,…
Tác hại của thức ăn nhanh
Ngoài việc mang lại khả năng tiết kiệm thời gian chế biến và một số lợi ích nhất định về mặt sức khỏe, thì thức ăn nhanh vẫn được biết đến với nhiều tác hại hơn nếu bạn sử dụng không đúng cách, chẳng hạn:
Có thể làm tăng lượng đường trong máu
Các loại thực phẩm nằm trong nhóm thức ăn nhanh thường chứa nhiều carbohydrate và hầu như không chứa chất xơ (nếu có thì rất ít). Vì thế, khi hệ tiêu hóa của bạn hoạt động để xử lý các thực phẩm này, đồng nghĩa với việc carbs được giải phóng dưới dạng đường glucose để đi vào máu, từ đó lượng đường trong máu tăng lên.
Lúc này, tuyến tụy trong cơ thể sẽ phản ứng với sự gia tăng của glucose bằng cách giải phóng insulin – nó có nhiệm vụ vận chuyển đường đến các tế bào của mỗi bộ phận cơ thể nhằm cung cấp năng lượng hoạt động. Do đó, khi cơ thể đã sử dụng năng lượng (từ đường) hoặc lưu trữ tại các bộ phận cơ thể, thì lượng đường tổng thể trong máu sẽ trở lại bình thường.
Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên ăn nhiều thức ăn nhanh, đồng nghĩa với việc tiêu thụ quá nhiều carbs thì có thể làm cho lượng đường trong máu tăng lên đột biến nhiều lần. Thói quen này, dần dần sẽ làm cho các đợt phản ứng của insulin trong cơ thể bị ảnh hưởng, gây ra tình trạng kháng insulin, dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2 hoặc tăng cân.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Một số thực phẩm trong nhóm thức ăn nhanh cũng chứa rất nhiều đường, nhiều calo mà dinh dưỡng thì lại ít. Ví dụ, một lon soda có thể chứa đến 8 muỗng cà phê đường, tương đương với 140 calo và 39gr đường. Trong khi Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã khuyến nghị rằng: cơ thể chúng ta chỉ nên tiêu thụ khoảng 100 – 150 calo từ đường mỗi ngày, tương đương khoảng 6 – 9 muỗng cà phê đường mà thôi.
Ngoài ra, chất béo chuyển hóa cũng thường được tìm thấy trong các thức ăn nhanh như: bánh nướng, bánh ngọt, bánh quy, bánh pizza,… Điều đáng nói ở đây là hầu như các chất béo chuyển hóa đều được đánh giá là không lành mạnh cho sức khỏe con người, vì nó làm tăng cholesterol LDL xấu và giảm cholesterol HDL tốt cũng như tăng nguy cơ mắc bệnh tim lẫn tiểu đường.
Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
Đối với một số người, việc kết hợp giữa đường, chất béo và muối (natri) làm cho món thức ăn nhanh trở nên hấp dẫn hơn bởi hương vị. Tuy nhiên, nếu bạn cứ duy trì chế độ ăn nhiều natri thì có thể làm cho cơ thể bị giữ nước, đây là nguyên nhân gây ra tình trạng đầy hơi, chướng bụng hoặc sưng phù sau khi ăn thức ăn nhanh.
Hơn nữa, việc tiêu thụ nhiều natri còn gây bất lợi đến sức khỏe người bị huyết áp, vì nó làm tăng huyết áp và gây căng thẳng cho hệ thống tim mạch.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị rằng: người lớn không nên tiêu thụ quá 2300 miligam natri mỗi ngày, vì một bữa ăn nhanh của bạn có thể đạt đến nửa giá trị natri được khuyến cáo dùng cho mỗi ngày.
Ảnh hưởng đến hệ hô hấp
Khi lượng calo trong cơ thể bị dư ra, có thể gây tăng cân và béo phì, dẫn đến việc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, như khó thở và hen suyễn.
Thậm chí, khi cân nặng vượt quá kiểm soát có thể gây áp lực cho tim và phổi, khiến cho việc đi bộ hay leo cầu thang cũng cảm thấy khó thở. Đặc biệt, đối với trẻ em khi ăn thức ăn nhanh ít nhất 3 lần/tuần đều có tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn cao hơn.
Ảnh hưởng đến hệ thần kinh
Việc tiêu thụ thức ăn nhanh có thể giúp bạn chống lại cơn đói trong thời gian ngắn nhưng theo nghiên cứu cho thấy: những người sử dụng thức ăn nhanh và bánh ngọt chế biến sẵn (đóng gói) có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn, tỷ lệ khoảng 51% so với những người ăn ít hoặc không ăn thức ăn nhanh.
Ảnh hưởng đến sức khỏe làn da
Thức ăn nhanh có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe làn da. Chẳng hạn, các thức ăn chiên nhiều dầu mỡ và sô cô la là nguyên nhân gây ra mụn trứng cá. Vì các thực phẩm giàu carbs làm tăng lượng đường trong máu, dễ gây xuất hiện mụn trứng cá.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu còn cho thấy thêm: các đối tượng như thanh thiếu nhiên và trẻ em nếu sử dụng thức ăn nhanh 3 lần/tuần có khả năng mắc bệnh chàm nhiều hơn. Đây là bệnh da liễu gây ngứa ngáy khó chịu khi các mảng da bị viêm và sưng lên.
Ảnh hưởng đến răng và hệ thống xương
Khi tiêu thụ nhiều đường và carbs từ thức ăn nhanh (hoặc các thực phẩm chế biến sẵn) có thể làm tăng lượng axit trong khoang miệng. Sự xuất hiện của axit làm cho men răng bị phá vỡ, tạo điều kiện cho vi khuẩn từ thức ăn bám vào răng, làm sâu răng.
Không những thế, khi cơ thể dư nhiều carbs và đường cũng sẽ làm cho cơ thể béo phì, làm xuất hiện các biến chứng liên quan đến mật độ xương và khối lượng cơ thể. Bạn có thể thấy người béo phì dường như có nguy cơ bị ngã và gãy xương cao hơn so với những người gầy.
Quý vị đừng quên đón xem “Bạn khỏe không?” được phát sóng vào lúc 19 giờ 35 phút vào thứ hai hằng tuần trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1.