Đời sống
Bánh chim Gâu – biểu tượng tình yêu của người Cao Lan
Trong nền ẩm thực đa dạng và tinh tế của người Cao Lan ở huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc), món bánh chim Gâu là thức ăn mộc mạc và dân dã.

Vị của lá dứa cùng với hương thơm của gạo nếp mùa lúa mới khiến chiếc bánh này trở thành món ăn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ đến ngày nay.

Dân tộc Cao Lan còn được biết đến với tên gọi Sán Chay. Như nhiều dân tộc khác của Việt Nam, người Cao Lan cũng có những món ăn đặc sắc mang dấu ấn văn hóa của người dân nơi này. Khi nhắc đến ẩm thực Cao Lan, người ta sẽ nghĩ đến những món ăn như cá nướng sấy khô, thịt nai tái, thịt heo ướp chua, vịt bầu nấu măng chua… cùng nhiều món bánh hấp dẫn như bánh vắt vai, bánh gai và đặc biệt là bánh chim gâu.

Bà Lâm Thị Sơn – Xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc: “Dậy sớm từ 5h lên rừng lấy lá dứa làm bánh, chọn lá không già, không non chỉ lấy lá vừa vừa thì về chúng tôi mới làm được cái bánh. Lá dứa mình cắt bỏ cái đầu cho bằng, đuôi thì mình cắt 1 tí ngọn xong thì mình tước bỏ gai đi, mình chẻ đều rồi tước gai làm đuôi, chẻ gai ở giữa thành lá đẹp thì mới đan.”

Ngoài lá dứa rừng, thành phần chính để làm bánh chim gâu là gạo nếp nương. Gạo nếp đã chọn lọc đem vo sạch, để ráo nước rồi trộn thêm ít muối cho đậm đà. Sau đó, dưới đôi bàn tay khéo léo của các bà, các chị thì mỗi chiếc lá dứa rừng sẽ được uốn, đan thành hình, nhồi gạo nếp vào và đem đi luộc. Đây cũng là khâu quan trọng nhất quyết định đến độ đẹp và ngon của bánh.

Bà Sầm Thị Hương – Xã Quang Yên, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc: “Căn bản nhất là mình đan lồng của nó làm sao cho nó vuông hay cho nó khít vào cho bánh nó khỏi ra rồi cho nước vào… thành bánh ngon. Đan hình thù rồi thì mình cột dây lên để xuyên qua, lúc để gạo vào rồi thì mình xỏ mấy cái dây qua rồi mình lôi lên mới khít được cái bánh. Bánh vào nồi rồi thì mình đun nước, lửa vừa cho bánh chín tới, mình cho giảm dần thì cái bánh quyện vào nhau.”

Để có một nồi bánh ngon thì trong suốt quá trình nấu, lửa phải đều và châm nước thường xuyên để giữ chiếc bánh được ngập trong nước. Bánh sẽ chín sau khoảng 1 giờ nấu, sau đó vớt ra để cho ráo nước. Ngày nay, người ta còn dùng thêm nhân đậu xanh và thịt để tạo độ thơm, vị ngậy cho bánh.

Bà Đào Thị Từng – Xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc: “Lúc kết đôi kết lứa thì mời bên bạn trai tình yêu thương gắn bó… Lễ hội chúng tôi làm để làm quà cho anh chị em xa về thưởng thức bánh chúng tôi làm … Các cụ qua đời bên hàng thông gia làm bánh này tế lễ nhớ ơn ông bà… Chúng tôi trên rừng núi làm bánh có con chim con vật đấy cho gần gũi với đời sống đồng bào chúng tôi.”

Đặng Thị Yến – Huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc: “Khi tham gia cùng các bà các mẹ em càng được hướng dẫn chỉ cho nhiều giá trị hơn và công đoạn em hiểu biết hơn và tự hào hơn và mong muốn giống các bà các chị truyền đạt lại giá trị với thế hệ sau…”

Những chiếc bánh chim gâu chính là cầu nối thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm của những người trong gia đình với nhau. Giờ đây, món bánh này đã trở thành đặc sản không thể thiếu trong ngày lễ, Tết của đồng bào dân tộc Cao Lan và được mang đi giới thiệu ở nhiều lễ hội ẩm thực. Với người Cao Lan, gìn giữ món bánh này chính là gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình và những nét chấm phá đặc biệt cho bức tranh văn hóa đa dạng đầy sắc màu của Việt Nam./.

“Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.”


Bình luận

Tin cùng chuyên mục