Đời sống
Báo động tình trạng học sinh tăng cân, béo phì
Tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em, nhất là trẻ sống ở các đô thị, thành phố lớn, đang ở mức báo động. Điển hình như tại TP.HCM, ghi nhận cho thấy tình trạng thừa cân, béo phì ở học sinh chiếm tỷ lệ cao nhất (gần 29%) trong số các bệnh tật học đường.

Béo phì gây giảm sút sức khỏe, ảnh hưởng tới việc học tập, cuộc sống của trẻ. Và tình trạng này càng có xu hướng gia tăng do thói quen ăn uống, sinh hoạt hiện nay của trẻ và gia đình.

Đây là buổi học thể dục dành cho những học sinh đang trong tình trạng thừa cân và béo phì của Trường Tiểu học Hồng Đức (quận 8, TP.HCM). Toàn trường có hơn 500 học sinh, thì có gần 50% vượt cân và tới gần 30% em béo phì.

 Báo cáo công tác khám sức khỏe học sinh năm học 2021 – 2022 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho thấy, tình trạng học sinh thừa cân, béo phì chiếm tỷ lệ cao nhất (28,96%) trong số các bệnh tật học đường. Trong đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng cao ở khối tiểu học và giảm dần ở các khối THCS, THPT.

Trẻ béo phì sẽ tác động rất lớn đến việc rèn luyện sức khỏe và học tập, ngoài ra còn có thể gây nên nhiều bệnh cho trẻ, làm trẻ tự ti, mặc cảm.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà – Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, TP.HCM: “Tăng nguy cơ mắc các bệnh như là biến chứng của béo phì như là mỡ máu, đái tháo đường sẽ bị sớm hơn, tăng huyết áp sớm hơn, nhất là tăng số người liên quan đến đột quỵ, giờ tình trạng đột quỵ ở người trẻ rất là gặp thường xuyên…”

 Theo các chuyên gia sức khỏe, chế độ ăn giàu chất béo, đậm độ năng lượng cao, thói quen ăn thức ăn nhanh… có mối liên quan chặt chẽ với sự gia tăng tỷ lệ tăng cân, béo phì. Việc trẻ ít tập luyện thể dục, xem tivi, máy tính, chơi game quá nhiều… cũng góp phần dẫn đến tăng cân, béo phì.

Để phòng tránh thừa cân, béo phì, cần sự kết hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong việc xây dựng chế độ dinh dưỡng, chăm sóc, nuôi dạy trẻ một cách khoa học, hợp lý.

 Bà Phùng Lê Diệu Hạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Đức, quận 8, TP.HCM: “Riêng các bé béo phì thì ngoài chế độ tập thể dục theo chế độ của giáo dục thể chất thì các bé còn được trong chế độ ăn giảm tinh bột cũng như là tăng lượng rau lên, giảm tinh bột chất đạm, mỗi tháng thì được cân đo và báo về phụ huynh tình hình sức khỏe con em mình.”

Chị Phạm Thu Hằng – Phụ huynh học sinh: “Rất là hạn chế cho con ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, thức uống nhiều đường như trà sữa, coca. Ngoài dinh dưỡng ra tôi thấy việc vận động của bé cũng rất quan. Cuối tuần các con thường xuyên được đi bơi hoặc là tôi cho các con tham gia những câu lạc bộ cầu lông”.

 Chế độ dinh dưỡng hợp lý, thói quen sinh hoạt lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, hạn chế ngồi xem tivi, máy tính, trò chơi điện tử… cả ở nhà và tại trường học là những điều giúp ngăn ngừa tình trạng tăng cân ở trẻ ngay từ sớm./.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục