Đáng lưu ý, cửa hàng Ai cần đến lấy, ai thừa đến cho (Free store: Take it when you need. Leave it when you no longer need) đã giúp nhiều người Việt và cả người nước ngoài khi cần.
Tình nghĩa 0 đồng
Trong 2 gian nhà chừng 100 m2, những sào quần áo được treo móc cẩn thận, sát tường là những kệ đồ đạc phân loại theo công dụng, độ tuổi… giống như một cửa hàng. Bà Huỳnh Thị Lộc (58 tuổi) đang xếp những bộ quần áo gọn gàng để gửi về Cần Thơ giúp một gia đình khó khăn. “Chị Lộc nay lựa mát tay nha, áo có hiệu nè, còn gắn mác nè”, một người nói. Bà Lộc cười đáp: “Vậy là người nhận mừng lắm đây”.
Bà Lộc, 58 tuổi, hằng ngày làm tạp vụ, lúc rảnh lại tới đây lựa đồ, mang về giặt sạch sẽ thơm tho và gửi đến những người cần quần áo nhưng không thể đến nhận trực tiếp.
“Mấy người không đến được thì chụp hình gửi để mình biết hoàn cảnh, cân nặng mà nhắm lựa đồ cho phù hợp. Ngoài quần áo thì còn có giày dép, nón, áo gối, chén, bát… Ai không dùng mang đến cho, gia đình còn khó khăn nhận về xài. Cửa hàng rất ý nghĩa”, bà Lộc nhận xét.
Là “khách quen” của cửa hàng, ông Quang (60 tuổi) hôm nay lại “sắm” thêm được vài bộ quần áo cho con, cháu và chiếc gối để quỳ lạy thắp nhang. Ông Quang làm thợ hồ, sau tết đến nay thì thỉnh thoảng mới có việc khiến thu nhập trong nhà cũng bị ảnh hưởng. “Nhiều đồ người này không cần nữa nhưng người khác lại rất cần. Cửa hàng rất ý nghĩa, nếu mô hình này được nhân rộng thì quá tốt”, ông nói.
Đeo giỏ vé số trước bụng, bà Cúc (60 tuổi, quê Kiên Giang) vào cửa hàng hồ hởi chào mọi người vì đã thân quen. Mỗi ngày kiếm được chừng 200.000 – 300.000 đồng, trừ tiền nhà trọ, bà luôn đắn đo mỗi khi cần mua sắm gì. Bà Cúc chia sẻ: “Từ trên xuống dưới người tôi là đồ ở cửa hàng này đó. Tôi đi bán gặp mấy người khổ giống mình đều chỉ họ đến nhận, đỡ lắm luôn. Các cô ở đây rất tận tình, nói chuyện như người nhà vậy”.
Chung tay vì những điều tốt đẹp
Thường xuyên trông coi cửa hàng, bà Lý Thị Bích Ngọc (60 tuổi) cho biết không chỉ người Việt, cửa hàng 0 đồng còn có nhiều “khách” là người Ấn Độ, Philippines làm việc tại Thảo Điền. Chứng kiến nhiều người đến lựa đồ cười nói rôm rả, bà Ngọc lại có thêm động lực.
Anh Phạm Quốc Hùng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ P.Thảo Điền, cho biết cửa hàng 0 đồng hoạt động từ tháng 7.2022. Thời gian đầu cửa hàng mở cửa buổi sáng từ thứ ba đến thứ bảy, nhưng vì thiếu nhân sự nên hiện chỉ mở cửa sáng thứ ba – năm – sáu/tuần. Các thành viên Hội Chữ thập đỏ đăng lên mạng xã hội kêu gọi người quen gửi quần áo, nhu yếu phẩm để chia sẻ với những người cần. Biết hoạt động của Hội, nhiều trường học, công ty cũng vận động gom quần áo cũ gửi đến, thỉnh thoảng có nơi gửi thêm gạo, dầu ăn, nước mắm… Cửa hàng nhờ vậy phong phú mặt hàng. Hiện nay, mỗi ngày ít nhất có 20 người đến cửa hàng nhận đồ. Có người ở tận Nhà Bè, Củ Chi, Q.7, thậm chí lặn lội từ Nhơn Trạch (Đồng Nai) tới nhận đồ.
“Nhìn cả nhà lựa đồ cho nhau, cười nói rộn ràng, chúng tôi lại có thêm động lực để duy trì cửa hàng. Tại đây, chúng tôi không khống chế số lượng, ai lấy bao nhiêu cũng được, miễn là mang về đủ xài, đừng phí phạm”, anh Hùng cho hay.
Ông Lê Ngọc Dũng, Bí thư Đảng ủy P.Thảo Điền, cho biết vì duy trì hoạt động đều đặn nên cửa hàng 0 đồng trở thành địa chỉ quen thuộc của những người buôn gánh bán bưng ở khắp nơi. Theo ông, dù cửa hàng có rất nhiều đồ, nhưng ai đến lấy cũng chỉ lấy thứ mình cần, không gom quá nhiều, hôm sau họ có gì không dùng lại mang đến, chia sẻ với những người khác càng giúp cửa hàng hoạt động hiệu quả hơn. “Ai đến cửa hàng cũng được đón tiếp, không phân biệt đến từ đâu. Có những sản phẩm với người này không cần dùng nữa, nhưng còn tốt, hữu dụng thì người khác nhận về. Đây cũng một mặt tránh lãng phí, một mặt chia sẻ được với các hoàn cảnh khó khăn”, Bí thư P.Thảo Điền nhận xét.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cua-hang-0-dong-o-pho-nha-giau-tphcm-giup-ca-nguoi-ngoai-quoc-185230306181122425.htm