Bên lề Hội nghị khoa học Chỉnh hình nhi toàn quốc lần thứ 16 diễn ra trong hai ngày 22-23/9 do Bệnh viện Xanh Pôn phối hợp với Hội chỉnh hình nhi Việt Nam tổ chức, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Quỳnh, Đơn nguyên Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, ung thư xương ở trẻ em khá thường gặp.
“Tại đơn nguyên, tuần nào cũng gặp 2-3 bệnh nhi ung thư xương đến khám. Trong số bệnh nhi đến khám phát hiện ung thư xương, 15% có di căn ngay lần khám đầu tiên”, bác sĩ Quỳnh thông tin.
Theo các bác sĩ, mỗi bệnh nhi một bệnh cảnh, trẻ thì thấy đau chân sau một trận bóng đá, bé thì thấy bỗng nhiên đau âm ỉ ở cẳng thân, hay tê bì vùng xương chậu, vận động khó khăn… Có những trẻ buộc phải đoạn chi vì ung thư xương lan rộng.
“Nhận tin con bị ung thư đã khó chấp nhận, lại thêm việc con phải đoạn chi vì ung thư di căn là điều không dễ gì các gia đình chấp nhận được. Vì thế, có những trường hợp bệnh nhi (trường hợp có di căn) của chúng tôi từ chối đoạn chi, khiến không ít trường hợp tử vong sớm”, TS.BS Lê Văn Thọ, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM trình bày tại hội nghị.
Theo các chuyên gia, ở giai đoạn sớm, triệu chứng của bệnh ung thư xương không biểu hiện rõ rệt, người bệnh thường không chú ý, dễ bỏ qua.
Bệnh nhi có thể kêu đau mỏi tay chân, đau xương cánh tay, đau đoạn đầu gối, có những trường hợp trùng hợp sau đợt chơi thể thao… Vì thế, các dấu hiệu này dấu hiệu này rất dễ nhầm lẫn với đau xương tuổi dậy thì, nhức mỏi xương do thiếu canxi, hay đơn giản người lớn nghĩ trẻ vận động quá nhiều, va chạm gây đau.
“Nhiều trường hợp đến khám vì lý do gãy xương sau chấn thương. Tuy nhiên, sau khi chụp phim thấy hình ảnh tổn thương ác tính đã có từ trước, chẩn đoán ung thư xương”, BS Quỳnh thông tin.
Vì thế, nếu trẻ bỗng dưng kêu đau mỏi xương, hay sưng đau vùng chân, tay. Cơn đau có thể khi có, khi không, đau có thể liên quan hoặc không liên quan đến vận động, cha mẹ nên cho trẻ đi khám sớm để loại trừ.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hưng, Chủ tịch Hội Chỉnh hình nhi Việt Nam, ngày nay, nhiều kỹ thuật chỉnh hình nhi, đặc biệt trong phẫu thuật ung thư xương ở Việt Nam, đã tiệm cận các nước tiên tiến.
“Trước đây, hầu hết các trường hợp ung thư xương thường phải chỉ định cắt cụt chi hay tháo khớp nhằm loại bỏ triệt để khối u xương, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Nhưng gần đây, nhiều trường hợp ung thư xương, đặc biệt phát hiện giai đoạn sớm vẫn có thể bảo tồn chi trong khi vẫn loại bỏ được khối u”, PGS Hưng thông tin.
Tại Bệnh viện Xanh Pôn, trung bình mỗi năm có khoảng 50 trẻ phẫu thuật ung thư xương, đa số được bảo tồn chi. Nhiều trẻ ung thư xương sau phẫu thuật bảo tồn chi có thể đi lại bình thường, hòa nhập cuộc sống. Về mặt chẩn đoán ung thư, sau 5 năm không tái phát được xem như đã khỏi bệnh hoàn toàn.
TS.BS Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, tại hội nghị lần này, nhiều báo cáo khoa học của các chuyên gia hàng đầu và chuyên gia quốc tế về các lĩnh vực chỉnh hình nhi được trình bày.
“Với số lượng báo cáo kỉ lục, gần 30 bài báo cáo trong hội nghị; có 29 chuyên gia nước ngoài từ Pháp, Nhật Bản, Australia…, nhiều chuyên gia hàng đầu của Việt Nam tham dự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, chúng tôi tin các bác sĩ Việt Nam và quốc tế sẽ có những trao đổi, chia sẻ để cùng nhau ngày càng làm tốt hơn trong lĩnh vực chỉnh hình Nhi”, TS Long thông tin.
Theo đó, các nội dung về điều trị khòeo bàn chân, tay, bó bột chỉnh hình bàn chân khòeo; hay các nội dung về phẫu thuật cắt xương qua da; đến chuyên đề về ung thư xương, với nhiều phương pháp bảo tồn chi, sinh thiết ung thư xương… đều được các chuyên gia cập nhật.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/dau-hieu-tuong-dau-xuong-tuoi-day-thi-canh-bao-can-benh-nguy-hiem-20230923214546751.htm