Đời sống
Để chuyển trường không còn là nỗi ám ảnh
Thay đổi trường, chuyển trường cho con luôn là một trong những quyết định khó khăn đối với các bậc phụ huynh. Bởi khi ấy, trẻ phải làm quen lại với môi trường mới, thầy cô và bạn bè mới.

Vậy làm thế nào để việc chuyển trường trở nên nhẹ nhàng, giúp trẻ nhanh hòa nhập và thích nghi với môi trường học tập mới? Đây cũng là nội dung Câu chuyện cuộc sống hôm nay chia sẻ, mời quý khán giả cùng theo dõi.

Thưa quý vị và các bạn! Thời điểm này, nhiều bậc phụ huynh đang có những bước chuẩn bị cơ bản để cho con bước vào năm học mới. Trong đó, thay đổi trường, chuyển trường là một trong những quyết định khó khăn. Bởi khi ấy, trẻ phải làm quen lại với môi trường mới, thầy cô và bạn bè. Vậy làm thế nào để việc chuyển trường trở nên nhẹ nhàng cũng như khiến trẻ nhanh hòa nhập và thích nghi với môi trường học tập? Đó cũng chính là nội dung mà Câu chuyện cuộc sống hôm nay muốn đề cập đến, mời quý vị cùng theo dõi.

Có rất nhiều lý do khiến phụ huynh bắt buộc phải chuyển trường cho con. Đôi khi xuất phát từ việc chuyển địa điểm cư trú, nơi công tác để tiện việc đi lại hay con trẻ gặp các vấn đề với bạn bè hoặc muốn con học ở một ngôi trường chất lượng hơn…

Chị Nguyễn Thị Lắm ở quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biêt: “Hồi trước gia đình ở Bình Dương, tuy nhiên vì lý do cá nhân, gia đình tôi phải chuyển vào Sài Gòn để làm việc. Vì thế, bé ở nhà cũng phải vào đây để học tập. Bé ở nhà bản tính khó thích nghi với người lạ nên lúc đầu vào trường mới cũng quấy khóc rất nhiều, lúc nào cũng đòi mẹ, mỗi buổi sáng đều không muốn đi học. Mới đầu mình cũng vất vả để theo cùng con nhưng giờ thì đỡ hẳn”.

Phụ huynh là người quyết định đến việc chuyển trường cho con. Việc quan tâm đến cảm xúc hay tâm lý của trẻ là điều vô cùng quan trọng. Bởi, càng lớn trẻ càng gắn bó với bạn bè, thầy cô ở trường cũ và càng khó chuyển trường.

Chưa kể, việc thay đổi một môi trường học tập mới sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề bắt buộc trẻ phải đối mặt, điển hình như thích nghi với ngôi trường mới, áp lực về thành tích, giao tiếp trong quan hệ bạn bè – thầy cô…  “Em cảm giác lo lắng, sợ không hòa nhập được với mấy bạn. Bạn bè thì cũng hơi khó thích nghi”. Hay “Em rất lo sợ vì sợ sẽ nhát quá sẽ không hòa nhập được với mấy bạn” – là những chia sẻ từ các học sinh.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc trẻ chuyển sang trường mới mà không được sự quan tâm, hỗ trợ từ gia đình và nhà trường sẽ nảy sinh ba mức độ tâm lý thường gặp: Mức độ thứ nhất là cảm thấy ngạc nhiên và phản ứng tiêu cực bằng một thái độ thờ ơ. Mức độ thứ hai là trầm tư, căng thẳng và bắt đầu biểu hiện sự lo lắng. Và mức độ thứ ba, trẻ sẽ không màng đến chuyện học tập khiến thành tích sa sút và dễ bị phụ huynh trách mắng. Điều này càng làm trẻ dễ bị trầm cảm và có những suy nghĩ tiêu cực.

“Nếu như các con không có được tâm lý thoải mái thì chắc chắn việc học ở trường sẽ không thể nào vui vẻ và như vậy kết quả học tập cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu những cú sốc về mặt tâm lý hoặc khó khăn về tâm lý ở ngôi trường mới không được phụ huynh ghi nhận và hỗ trợ các con giải quyết thì có thể với một số các bé qua thời gian sẽ từ từ thích ứng và có thể tự vượt qua được nhưng với các bé khác sẽ là khó khăn lớn, các con sẽ cảm thấy vô cùng xa lạ và cô đơn với môi trường mới, khi đó thì kết quả học tập của con cũng bị ảnh hưởng, chưa kể đến những tổn thương tâm lý về sau này, nếu như vấn đề đang ở mức trầm trọng”. – TS, chuyên gia Tâm lý Bùi Hồng Quân cho biết.

Ngay từ khi có kế hoạch chuyển trường, phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý cho con thật kỹ lưỡng, chủ động trao đổi từ gián tiếp lẫn trực tiếp bằng cách dắt trẻ đến tham quan trường mới. Điều này giúp các em cảm thấy quen thuộc, tự tin từ đó vượt qua nỗi lo sợ về không gian mới.  

Những ngày đầu, hãy đưa đón con đi học. Lúc đó, cha mẹ cần thường xuyên hỏi han và quan tâm trẻ để biết con đang gặp khó khăn gì, từ đó phối hợp, kết nối với giáo viên và nhà trường một cách tốt nhất.  

Cô Phạm Nguyễn Kim Ngân – Trường THCS Cách mạng Tháng Tám, TP. HCM cho biết: “Bản thân chủ nhiệm phải nhẹ nhàng, từ từ để hướng dẫn các em, trả lời các em sau đó trong những buổi sinh hoạt khác,… dần dần tin tưởng giáo viên chủ nhiệm, gần hơn với thầy cô, rồi từ từ mấy em cũng mở lòng ra hòa nhập với các bạn”.

Thầy Nguyễn Minh Triết – Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám, TP.HCM chia sẻ: “Có trường hợp các bé không dám nói, các bé sợ giáo viên thì trường có phương án cho các con một hộp thư điện tử, các con có thể trao đổi với giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên tư vấn tâm lý qua hộp thư đó, đối với con trẻ có thể đứng đối diện với mình các con không nói được nhưng qua tin nhắn, nội dung khác thì các con có thể trình bày được thì từ đó mình sẽ có những điều chỉnh”.

Chuyển trường là một trong những khó khăn, thử thách của cả chính cha mẹ và con cái. Vì thế, mỗi phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến suy nghĩ, tâm lý của trẻ. Tuyệt đối không la mắng, lớn tiếng với trẻ khi con có biểu hiện không theo kịp tiến độ học tập. Mà hãy khích lệ, động viên để các em cảm thấy tự tin hòa nhập ở môi trường mới.

Ngay cả ở người lớn khi bắt đầu thay đổi sang một môi trường mới đều cần thời gian để thích nghi. Vì thế, trẻ cũng rất cần được như vậy. Hãy đặt mình vào tâm lý của trẻ để cùng các em vượt qua khó khăn lúc đầu. Chỉ cần chuẩn bị tâm lý kỹ càng và luôn suy nghĩ tích cực, bản thân con trẻ sẽ có sự chủ động hòa nhập dễ dàng.

Chương trình Người đưa tin 24G phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục