Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân – Khoa Khoa học xã hội, Trường ĐH Hoa Sen – nhận định, những sự vụ về thu chi trong trường học sẽ tác động lớn đến niềm tin của phụ huynh học sinh với trường học, nhất là các hoạt động liên quan đến tài chính, thu chi của trường. Hệ lụy nguy hiểm là dẫn đến câu hỏi về niềm tin trong một tập thể trong việc giải quyết các vấn đề chung, trong khả năng giao tiếp, đối thoại giữa các bên.
“Phụ huynh sẽ gặp khó khăn trong việc tin tưởng các hoạt động giáo dục của nhà trường, và ngược lại nhà trường, thầy cô cũng sẽ gặp khó khăn trong việc giao tiếp với phụ huynh. Nhà trường, thầy cô có thể sẽ rất e ngại để mà thẳng thắn chia sẻ khi cần có thêm sự hỗ trợ từ phía phụ huynh cho các hoạt động giáo dục của trường. Điều này tạo thành một vòng khó khăn trong đối thoại, từ đó càng dẫn đến việc khó thông hiểu và càng khiến cho môi trường giáo dục thêm khó khăn hơn” – thạc sĩ Ân phân tích.
Chuyên gia này cho rằng, điều quan trọng nhất để có thể hạn chế những câu chuyện phát sinh trong trường học, bao gồm cả việc thu chi, cần thiết phải có giải pháp đối thoại giữa các bên với nhau trước mỗi vấn đề, dựa trên sự xây dựng. Quan trọng nhất là cần có giải pháp đối thoại trước mỗi vấn đề phát sinh, để có thể giúp đưa ra giải pháp tốt nhất hướng đến học sinh, bởi cuối cùng những câu chuyện đều sẽ ảnh hưởng đến học sinh.
Để Ban đại diện CMHS hoạt động hiệu quả thì phải đối thoại, việc hỗ trợ nhà trường phải rõ ràng, chi tiêu cần minh bạch. Vấn đề về đóng góp cũng cần phải tôn trọng sự riêng tư và bảo mật vì mỗi phụ huynh có hoàn cảnh khác nhau, khả năng đóng góp sẽ khác nhau.
Khẳng định xã hội hóa là nhiệm vụ quan trọng, chung tay cùng với nhà trường chăm lo tốt nhất cho học sinh, bà Nguyễn Thị Việt Tú – đại biểu HĐND TPHCM – cho rằng, ngành giáo dục TPHCM cần phải có các quy định cụ thể rõ ràng dựa trên thẩm quyền và các thông tư, hướng dẫn có sẵn của Bộ GD-ĐT để hoạt động của Ban đại diện CMHS được bài bản hơn nữa, phù hợp với đặc thù của TPHCM, chứ không nên để đến hẹn lại lên, lại chấn chỉnh.
“Sở GD-ĐT TPHCM cần có những quy định chặt chẽ liên quan để câu chuyện lạm thu, thu sai quy định trong trường học không tiếp diễn. Và nếu có xảy ra thì phải có hình thức xử lý như thế nào để đúng quy định song vẫn mang tính răn đe, không phải là xử lý tình huống. Nếu không có thể dẫn đến hệ lụy là cán bộ quản lý nhiều nhà trường có thể sẽ không dám làm, nhiều phụ huynh học sinh có thể sẽ không dám vào ban đại diện và như vậy, người chịu thiệt thòi nhất chính là các em học sinh” – bà Nguyễn Thị Việt Tú đề xuất.
Theo bà, điều quan trọng là ngành giáo dục cần phải giúp Ban đại diện CMHS trong lớp, trường hoạt động một cách hiệu quả, đúng pháp luật chứ không thể cấm cản. Ngành giáo dục cần tuyên truyền thêm cho phụ huynh về Thông tư 55, Thông tư 16 liên quan đến hoạt động của Ban đại diện CMHS. Có thể thiết kế thành cẩm nang Ban đại diện CMHS qua hình ảnh dễ hiểu, ngắn gọn, để phụ huynh nắm rõ nhất những việc Ban đại diện phụ huynh có thể làm, việc gì không được làm.
Đặc biệt, cần thiết lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm phải nắm được hoạt động và cách thức hoạt động của chi hội phụ huynh lớp mình, từ đó kịp thời ngăn chặn những cách thức hoạt động chưa đúng quy định. Bởi mỗi giáo viên chủ nhiệm chính là cánh tay nối dài của nhà trường trong công tác quản lý.
“Ngành giáo dục cũng có thể thiết lập thêm các đường dây nóng của Sở GD-ĐT, của phòng giáo dục, của từng cơ sở giáo dục. Các đường dây nóng này cần hoạt động một cách đúng nghĩa, luôn nóng, công khai đường dây nóng này đến từng trường, từng lớp, từng phụ huynh học sinh, tạo thành kênh để phụ huynh có thể phản ánh những thông tin về thu chi, về hoạt động giáo dục của trường, giúp ngành giáo dục kịp thời phát hiện, xử lý, chủ động các biện pháp” – bà Nguyễn Thị Việt Tú đề xuất thêm.
Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/de-xuat-ban-hanh-cam-nang-ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-a1502309.html