Điệp Sơn là tên của thôn gồm 8 hòn đảo trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, trong đó có 3 đảo lớn là hòn Ó (hòn Đuốc), hòn Quạ (hòn Giữa) và hòn Bịp, rất gần nhau. Dân địa phương từng đi bộ từ đảo này sang đảo khác bằng con đường cát bồi, chỉ phát lộ khi triều xuống.
Một ngày cuối tháng 6, tôi có dịp ngao du khám phá những hòn đảo trên vịnh Vân Phong. Vừa đặt chân tới hòn Ó, để không mất nhiều thời gian tiếp cận các vị trí khác, tôi sử dụng thiết bị flycam quan sát.
Khi lên đến độ cao hơn 100 m, nhìn qua màn hình bộ điều khiển, cảnh sắc mênh mông biển trời. Con thuyền nhỏ vượt sóng ra khơi hòa quyện với mảng xanh của rừng phủ kín trên đảo hiện ra đẹp ngỡ ngàng. Nổi bật là những bãi đá san hô dưới ánh nắng chói chang.
Theo anh Đại Anh, người được xem là “chúa đảo” hòn Ó, thời điểm thủy triều rút xuống cũng là lúc lộ diện dần những bãi cát, rạn san hô, thuỷ đạo dài khoảng 400 m trên biển nối với hòn Quạ. Lúc này, đứng từ cầu cảng nhìn về phía bắc đảo, thấy dưới mặt nước trong vắt dần dàn hiện ra một con đường do cát bồi.
00:01:06
Dù đã giữa trưa, nắng nóng oi bức nhưng khi nghe anh Đại Anh kể về con đường cát kỳ thú khác ở bờ biển Tu Hài, tôi bỏ lại sau lưng dãy nhà chòi lợp mái lá đầy mát mẻ tại khu vực trung tâm, đi theo con đường bê tông dài hơn cây số hướng tới phía cuối đảo.
Không lâu sau đó, xuất hiện trước mắt tôi là một bãi tắm nối với dãi cát chạy dài hàng cây số chia đôi biển lớn, lăn tăn gợn sóng từ hai phía. Lúc này, được đắm mình trong làn nước mát lạnh hoặc đi bộ giữa đại dương là một cảm giác không thể tả…
Cách bãi Tu Hài không xa, du khách sẽ gặp dãy nhà sàn nằm kề bờ biển, là không gian của người lưu trú qua đêm trên đảo. Nó không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của đảo, mà mang đến cho khách cảm giác khoan khoái khi thức dậy đã thấy mặt trời ló dạng trước cửa sổ và tiếng sóng vỗ rì rào xung quanh.
Chiều về, sau khi bơi lặn thỏa thích, khách có thể tản bộ theo đường vòng đảo, ngắm hoàng hôn đang xuống dần sau dãy núi Trường Sơn. Đó là những trải nghiệm đáng nhớ trong đời.
Xuất phát từ hòn Ó, chiếc thuyền gỗ với tốc độ vừa phải sau hơn 1 tiếng đồng hồ đưa tôi tới bán đảo Đầm Môn.
Xóm chài Đầm Môn hiền hòa nép mình dưới bóng dừa xanh rờn. Trên bãi biển ánh nắng chan hòa, cồn cát hình cánh cung trắng lóa, những khu vực rừng đá như nét chấm phá trên thảm rừng nguyên sinh phủ xanh, đẹp đến nao lòng…
Nhiều khu du lịch mọc lên, thuyền chờ khách ngao du các đảo có phần nhộn nhịp hơn. Nhờ biển êm, kín gió, người dân đảo đã cùng nhau thả bè nuôi tôm hùm trên biển.
Thuyền rẽ vào hòn Lớn rồi tạt vào hòn Ông – hòn đảo quyến rũ khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tôi đã hơn một lần đến Đầm Môn, nơi được ghi nhận là “đón ánh bình minh đầu tiên trên toàn lãnh thổ Việt Nam”, khi bằng thuyền, lúc lang thang qua nhiều làng biển, bãi tắm, đồi cát bay, cát nhảy…, mỗi nơi một vẻ.
Bãi biển Sơn Đừng, còn gọi Xuân Đừng, cũng mang bao điều lạ lẫm. Hầu hết dân làng Sơn Đừng là tộc người Đàng Hạ đã sinh cơ lập nghiệp, lập nên làng cách đây hơn 300 năm.
Ngày xưa, dù sống gần biển nhưng người Đàng Hạ không làm nghề biển mà sống bằng công việc chặt củi, hầm than, bẫy thú để đổi lấy gạo, quần áo…
Từ nhiều năm nay, được nhà nước hỗ trợ, khuyến khích nên dân làng đã chuyển sang nuôi trông thủy sản và sắm ghe, thuyền tự tin vượt sóng ra khơi, ngày đêm đánh bắt cá, tôm.
Những làng ven biển trong vùng thường không có mạch nước ngọt. Để có nước sinh hoạt, người dân buộc phải mua nước từ các ghe chở từ đất liền. Ở Sơn Đừng thì khác. Người nào chưa thể đào giếng thì có thể ra mép biển, dùng tay đào một hố cát sẽ thấy ngọt tuôn ra. Cứ thế, họ múc đổ vào can nhựa mang về nhà tha hồ dùng.
Nguồn: https://nld.com.vn/kham-pha-con-duong-cat-trang-doc-dao-giua-bien-troi-diep-son-196240702073548304.htm