Đối với đồng bào dân tộc Churu nhẫn bạc là một vật rất quan trọng không thể thiếu trong các dịp như lễ, tết, cưới hỏi. Đặc biệt người Churu theo chế độ mẫu hệ nên khi nhà gái đi hỏi chồng sẽ không thể thiếu đôi nhẫn bạc là sính lễ cầu hôn. Với họ cặp nhẫn trống – mái trở thành một vật thiêng liêng, vừa thể hiện sự gắn kết bền chặt của vợ chồng, của hai dòng họ. Cặp nhẫn còn là biểu tượng cho cuộc sống hôn nhân viên mãn, vẹn tròn như vòng tròn của chiếc nhẫn.
Trong căn nhà nhỏ chứa đầy khuôn đúc nhẫn, nghệ nhân Ja Tuất với hơn 30 năm nay ngày ngày vẫn miệt mài tạo nên những chiếc nhẫn bạc đầy tinh tế se duyên cho bao nhiêu trai gái đồng bào mình nên vợ, thành chồng. Đối với anh công việc làm nhẫn không chỉ đem lại thu nhập cho bản thân và gia đình mà còn giúp bảo tồn một nghề truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Sáp sau khi nấu chảy để tạo khuôn sẽ được cho vào dùi gỗ để nguội, rồi đổ ra thành ống sáp hình tròn. Dựa vào kích thước ngón tay của người được làm nhẫn để cắt thành các khoanh tròn lớn nhỏ tạo khuôn chuẩn xác. Sau đó tạo hoa văn trên nhẫn theo nhu cầu của người dùng. Tiếp đến mang nhẫn sáp nhúng đều vào dung dịch phân trâu hoà lẫn với đất sét mịn và đem đi phơi nắng. Khuôn sáp sẽ được nung trên ngọn lửa lớn để chảy tan ra, dung dịch phân trâu hình thành khuôn âm bản, sau đó nghệ nhân sẽ mang bạc được nấu chảy đổ vào khuôn. Khi nguội sẽ tạo thành đôi nhẫn bạc, nhưng màu lúc này vẫn còn bị xỉn, người làm sẽ tiếp tục đem nhẫn nhúng vào nước bồ kết đã đun sôi để nhẫn sáng dần lên.