Sáng sớm, trên cánh đồng mênh mông nước ở khu Gò Pháo (xã Hưng Điền B, Tân Hưng, Long An), anh Đặng Văn Long (31 tuổi) cùng em trai nổ máy chiếc ghe dài gần 6m để chạy vào đồng tháo dớn. “Năm nay lũ về chậm lắm, cách đây 2 tuần nước còn chưa tràn đồng, vẫn phải đặt dớn ở ven kênh Tê nhưng giờ thì đồng ngập nước rồi. Nước về, cá, ốc, chim trời cũng về theo. Những năm trước lũ về sớm, tháng 8 đã tràn đồng rồi, cá linh nhiều lắm. Năm nay lũ chậm không có cá linh nhưng bù lại đợt này nhiều cá chốt, cá heo…” – anh Long kể.
Theo người thanh niên này, gia đình anh có hơn 20 tay dớn, mùa khô thì đóng ở ven các con kênh, mùa nước lũ thì đem lên đồng. Mùa nước lũ thường kéo dài khoảng 2 – 3 tháng, tuy nhiên năm nay lũ về chậm nên có thể chỉ kéo dài hơn 1 tháng. “Lũ chậm nên tôi tranh thủ ngày nào cũng đổ dớn 2 lần. Mỗi lần kiếm được chừng 7 – 10 kg cá. Những loại nhất như cá heo, cá chốt, cá lóc, cá chèn, cá kết… lọc riêng bán cho thương lái ở chợ Tân Hưng, giá từ 80 – 110 ngàn đồng/1kg. Còn cá tạp thì làm mắm. Mắm cá đồng tới tết bán cũng cao lắm” – anh Long cho biết thêm.
Được coi là vùng rốn lũ nằm giáp ranh biên giới Campuchia, thời gian này hầu hết các cánh đồng ở vùng Đồng Tháp Mười nước đều tràn đồng. Cũng như hàng chục năm qua, nước lũ về kéo theo nhiều loài thủy sản từ thượng nguồn và cũng là sinh kế cho nhiều người dân nghèo. Trong đó, nhiều người ở vùng xuôi cũng chạy ghe ngược lên vùng thượng nguồn để đánh bắt sản vật mùa lũ.
Những chợ sản vật mùa lũ ở biên giới Đồng Tháp Mười.
Ghi nhận tại khu vực ngã ba kênh Trung Ương và kênh Phước Xuyên (xã Tân Phước, Tân Hồng, Đồng Tháp), hàng chục chiếc ghe nhỏ đang neo đậu. Anh Nguyễn Văn Năm, chủ ghe cho biết gia đình ở dưới Sa Đéc nhưng chạy ngược lên thượng nguồn săn sản vật mùa lũ. “Gia đình tôi lên đây từ 2 tháng trước, nhưng đợt này lũ mới về nhiều.
Ban đầu cứ tưởng là thất thu ai ngờ tháng 10 lũ mới về. Lũ đợt này muộn nhưng cá nhiều, cá chốt mà to như trái chuối, bụng trứng, bán được giá 120 ngàn đồng/1 kg. Rồi cá chèn, cá kết cũng nhiều lắm. Ghe của vợ chồng tôi đóng dớn bên kia kênh Trung Ương. Ngày đi tháo 2 lần, thời gian rảnh thì chèo ghe đi hái bông điên điển, bông súng và hẹ nước.
Mỗi ngày cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng nhưng vất vả lắm. Ở đây có khoảng 20 ghe như vợ chồng tôi, đều dưới xuôi ngược lên đón lũ mưu sinh cả” – anh Năm kể. Vừa nghe câu chuyện của anh Năm, chúng tôi vừa nghe tiếng cá quẫy rất mạnh ở chiếc lưới vuông được đóng bởi 4 cọc tre. Anh Năm cười bảo trong lưới là mấy con cá lóc bông dính dớn nhưng anh không bán mà giữ ở đó tháng tới đem về nhà nuôi trong ao làm giống.
Chạy dọc kênh Trung Ương, một trong những con kênh lớn và dài nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi bắt gặp khá nhiều những chợ tạm của thương lái mọc lên nhằm thu mua sản vật mùa nước nổi sau đó đem về các thành phố lớn như TPHCM để tiêu thụ. “Mỗi ngày tôi thu mua 4 – 5 tạ cá đồng và đưa lên xe tải chở lên Bình Chánh. Cá đồng bây giờ là đặc sản, nên giá cao, đáng đồng tiền lắm. Một số loại như cá lóc, cá rô, cá trê thì tôi để sống trong thùng ôxy, còn một số loại như cá lăng, cá chốt, cá heo, chạch trấu thì tôi sơ chế ướp đá. Ngoài cá thì vựa của tôi còn thu mua chuột đồng, chim trời, ốc, rắn nữa. Nhiều ghe ở bên Tân Hộ Cơ, Tân Công Chí họ cũng chạy sang đây bán cho tôi” – chị Bé, một chủ thu mua sản vật ở ven kênh Trung Ương đoạn qua địa bàn xã Hưng Thạnh (huyện Tân hưng) cho biết.
Theo chị Bé, sản vật mùa lũ những năm gần đây ít đi nhưng giá trị kinh tế lại tăng lên. Nhiều người dân vùng xuôi lên trên này săn sản vật mà nhiều người dân vùng biên thì sang cả bên Campuchia thuê đồng khai thác rồi đem cá về bán.
Trong khi đó, theo ông Võ Kim Thuần – Chi cục trưởng Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An, thời điểm lũ về năm 2023 này cũng như mọi năm trước nhưng mực nước thấp hơn. Mực nước lũ thời điểm tháng 8 tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười từ 0,54 – 1,57m, thấp hơn cùng thời gian các năm trước từ 0,02 – 1,69m. Do nước lũ thấp hơn các năm trước nhiều và mưa kéo dài thời gian gần đây nên nước lũ có cảm giác về chậm hơn những năm trước.
Nguồn: https://danviet.vn/lu-tran-dong-o-dong-thap-muoi-dan-ru-nhau-di-san-lung-nhung-kho-bau-duoi-nuoc-20231008143535642.htm