Không mảy may nghi ngờ
Đầu tháng 8, vợ chồng chị Vũ Thị Chang (39 tuổi, ngụ tại quận 12, TPHCM) phải nhịn đói 4 ngày vì bị lừa đổi 5 tờ vé số giả trúng thưởng, được in y hệt vé thật. Với giá trị giải thưởng mỗi tờ 400.000 đồng, vợ chồng chị mất trắng số tiền 2 triệu đồng.
Với vợ chồng chị, 220 tờ vé số bán được mỗi ngày, lãi hơn 200.000 đồng là toàn bộ thu nhập nuôi 3 miệng ăn. Vì vậy, vợ chồng chị xem như mất hết 10 ngày công, phải vay tiền để lấy vé số mới đi bán.
Đây không phải lần đầu chị và chồng bị lừa. Mỗi lần như thế, cả hai chỉ biết ôm nhau mà khóc.
Theo chị Chang, đối tượng lừa đảo thường đi 2 người, lái xe máy, thậm chí là ô tô và ăn mặc rất sang trọng. Với cách nói chuyện lịch sự, họ dễ dàng đánh lạc hướng những người bán vé số.
Các đối tượng cũng đến sau 19h, thời điểm vắng người để dễ hành động. Vé số với mức thưởng 100.000 – 400.000 đồng là giải mà các đối tượng nhắm tới.
Điểm duy nhất để người bán vé số có thể phân biệt là vé giả có số in thường mờ hơn vé thật. Lý thuyết là vậy, đại lý cũng có hướng dẫn người bán cách phân biệt, nhưng vẫn rất khó vì một số đài xổ số có kích thước chữ số trên vé rất nhỏ.
“Nhóm tráo vé thường chọn những người bán vé số già, khuyết tật để lừa vì chúng tôi khó chống trả. Họ cũng đổi thưởng những giải nhỏ vì biết thừa chúng tôi không đủ tiền trả các giải lớn. Thay vì đổi giải thưởng 1 triệu đồng, họ sẽ chia ra đổi 10 tờ giải 100.000 đồng để chúng tôi không mảy may nghi ngờ”, chị Chang nói.
Chị Chang kể, ít tháng trước, một đôi nam nữ đi xe máy tay ga đến giả vờ đổi vé số trúng thưởng. Hai đối tượng còn cải trang thành đôi vợ chồng đang đi cúng chùa, mua thêm bó nhang, trái cây treo trên xe để tạo lòng tin.
Ngoài việc bị lừa đổi vé số giả trúng thưởng, chị và chồng còn bị giật vé số. Lần gần đây nhất, chồng chị bị giật mất 93 tờ vé số. Thấy anh ngồi khóc, nhiều người dân mới hỏi thăm rồi góp được một nửa tiền giúp anh đền cho đại lý.
Anh Nguyễn Mai Văn Tâm (43 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức) và mẹ là bà Nguyễn Thị Năm (86 tuổi) cũng bị lừa không ít lần với phương thức tương tự. Hai mẹ con anh chia nhau ra bán, nên các đối tượng thường nhắm vào bà Năm những lúc chỉ ở một mình.
“Trước đây, họ thường cạo số trên vé thật rồi vẽ số trúng thưởng lên, nhìn dễ phát hiện. Nhưng bây giờ công nghệ lừa tinh vi lắm, họ in vé giả giống hệt tờ vé số thật. Nhiều lúc tôi mang vé lên đổi, đại lý thông báo vé số giả rồi còn tưởng là người bán định lừa, tôi té ngửa, buồn mãi”, anh Tâm bộc bạch.
Tiến không được, lùi không xong
Theo chị Chang, vợ chồng chị không có cách nào để ngăn việc này. Nếu không chấp nhận đổi vé số trúng thưởng, chị và chồng lại sợ bỏ mất “bạn hàng quen” hoặc rất khó bán vé mới. Vì người trúng thưởng thường đổi giải xong sẽ mua thêm vài tờ để ủng hộ như một thói quen.
Vợ chồng chị Chang đều là người khuyết tật, hằng ngày lái xe lăn, chia nhau đi khắp nơi để bán vé số. Số tiền tích cóp được từ việc buôn bán, chỉ đủ tiền sinh hoạt, ăn uống qua loa mỗi ngày của hai vợ chồng và cô con gái.
Làm không có dư, nhà có cái mái tôn mục nát từ lâu mà chưa thể sửa, mỗi khi trời mưa là nước như trút hết vào nhà. Công việc lại cạnh tranh do ngày càng nhiều người thất nghiệp, đi bán vé số.
Uớc mơ sửa mái nhà ngày càng xa khi vợ chồng dính lừa hết lần này đến lần khác.
Đồng cảnh ngộ, anh Văn Tâm và mẹ cũng phải xin trả góp tiền trọ vì những lần bị lừa. Hôm nào bị giật vé số hay lừa đổi vé giả trúng thưởng là thiếu tiền nhà, cụt tiền ăn, mẹ con đành lại chạy quanh vay mượn, đắp điếm. Cảnh nghèo cứ lẩn quẩn mãi vì “ăn trước, trả sau”.
“Bán vé số chỉ lãi được 1.000 đồng/tờ, nhưng kiếm được số tiền nhỏ đó đâu phải dễ. Chúng tôi chỉ mong sao địa phương sớm tìm ra và ngăn chặn những đối tượng lừa đảo, để những người khó khăn như chúng tôi có thể mưu sinh an toàn”, anh Tâm cười mếu xệch.
Để không bị lừa nữa, anh Tâm đành chấp nhận chỉ đổi vé trúng thưởng cho những khách quen mà mẹ con anh biết họ ở đâu. Với những khách lạ mới ghé lần đầu, anh đành từ chối dù có bị phàn nàn.
Chủ đại lý vé số Tấn Tín (đường Hoàng Diệu, quận 4, TPHCM) cho biết, kể cả những đại lý lớn vẫn bị các đối tượng lừa đảo tiếp cận. Thông thường, khung giờ 16h30-17h là thời điểm các đối tượng lợi dụng đông khách để hành động.
“Họ đến đổi thưởng các giải nhỏ như 100.000 đồng, 200.000 đồng. Đối với các giải lớn, đại lý rất cẩn thận, dùng máy soi để kiểm tra thật, giả. Nhưng trong lúc đông khách, bản thân chúng tôi cũng chủ quan, chỉ nhìn bằng mắt thường rồi đồng ý trả thưởng, đến khi đưa vé lên tổng công ty mới bị trả lại vì vé không hợp lệ”, chủ đại lý cho hay.
Theo chủ đại lý vé số Quang Đại trên đường Nguyễn Hữu Hào (quận 4), đối tượng lừa đảo thường nhắm tới những người bán vé số dạo, không có dụng cụ phân biệt vé thật, giả.
Tại đại lý, nữ chủ tiệm trang bị một máy soi dạng kính lúp cầm tay, có đèn rọi trực tiếp xuống vé số. Vé số thật được in rõ nét, có logo của đài xổ số. Nhờ cách này, dù các đối tượng có lợi dụng sơ hở đổi các giải nhỏ cũng khó lừa được.
“Tội nhất là những người bán vé số dạo. Nhiều người bị lừa nhưng không biết, đến đây đổi vé rồi bật khóc khi tôi báo đó là vé trúng thưởng giả. Họ mất vài triệu đồng là coi như mất hết 10 ngày công. Đại lý cũng đành tạo cơ hội, để họ bán tiếp kiếm tiền bù vào khoản mất mát đó”, chủ đại lý nói.
Trước đó, như báo Dân trí đã đưa tin, sáng 26/9, Công an TP Biên Hòa đã bắt giữ Phạm Ngọc Vinh (52 tuổi, ngụ tại Quảng Ngãi) để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vinh là nghi phạm gây ra vụ tráo 522 tờ vé số của bà Lê Thị Thuận (quê Khánh Hòa) tại địa bàn phường Tân Tiến, TP Biên Hòa ngày 24/9 vừa qua.
Bà Thuận là người khuyết tật, không tay, không chân, làm nghề bán vé số tại đường Dương Tử Giang,
TP Biên Hòa từ nhiều năm nay.
Vinh dừng xe hỏi mua vé số của bà Thuận. Lợi dụng bà Thuận không để ý, ông ta đã tráo đổi 470 tờ vé số cũ lấy tập vé số 522 tờ mới rồi tẩu tán.
Sau khi gây án, Vinh về quầy vé số của ông L.Q. (TP Thuận An, Bình Dương) bán lại được 4,24 triệu đồng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/nguoi-ban-ve-so-dao-khoc-nghen-nhin-doi-may-ngay-vi-to-ve-trung-thuong-gia-20231007141325801.htm