Đời sống
Quanh thông tin vụ truyền bá oan hồn ở chùa Ba Vàng: Đâu là sự thật?
Trước một số thông tin về việc chùa Ba Vàng lan truyền câu chuyện vong báo oán để thu tiền trục lợi, mỗi năm thu lên tới cả trăm tỷ đồng, UBND tỉnh Quảng Ninh vào cuộc. UBND tỉnh có văn bản hỏa tốc số 1710 ngày 20/3 gửi UBND TP. Uông Bí yêu cầu làm rõ thông tin.

Kiểm tra làm rõ

UBND tỉnh Quảng Ninh giao UBND TP Uông Bí chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở VHTTDL, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh làm rõ những thông tin phản ánh. Trong trường hợp phản ánh là đúng sự thật, đề nghị có biện pháp kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, thông tin cho báo chí biết về kết quả giải quyết, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/3.

Liên hệ với Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh, lãnh đạo Sở cho biết Sở phối hợp với thành phố Uông Bí lập đoàn kiểm tra, xác minh thông tin. Lãnh đạo UBND TP Uông Bí lập đoàn kiểm tra trong ngày 20/3 để làm rõ thông tin được phản ánh. Theo đó, người dân từng phản ánh hoạt động của chùa Ba Vàng về truyền bá vong báo oán, oan gia trái chủ, giải nghiệp, tuy nhiên chưa nhận được thông tin về chuyện thu tiền.

Trên một số phương tiện thông tin đại chúng như Youtube, người xem dễ dàng tìm được nhiều video phật tử Phạm Thị Yến (pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán), Chủ nhiệm CLB Cúc vàng-Tập tu lục hòa thuộc chùa Ba Vàng giảng về chuyện vong hồn, oan gia trái chủ, muốn thoát khỏi bệnh tật và vận hạn phải giải trừ nghiệp. Theo ghi nhận của phóng viên báo Lao Động, chùa Ba Vàng lâu nay thành nơi để “thỉnh vong”, rồi khi “vong lên” người tham gia sẽ bị đòi tiền. Muốn khỏi bệnh tật hoặc tai ách, những người tham gia lễ thỉnh vong này phải làm lễ tại gia, tu thân và nộp tiền có khi lên tới cả chục triệu đồng.

Ai trục lợi?

Trao đổi với báo chí, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Thông tin-Truyền thông cho biết: từng biết việc chùa Ba Vàng truyền bá về vong, oan hồn nhưng không biết có chuyện thu tiền công đức. “Giáo hội sẽ xem xét, nếu nghi lễ nào không đúng đắn sẽ chấn chỉnh”, Hòa thượng Thích Gia Quang nói. Vị chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khẳng định giáo lý nhà Phật không có chuyện gọi vong.

TS Nguyễn Văn Vịnh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục phân tích không chỉ người Việt mà nhiều tộc người đều có tục đồng cốt, gọi vong. Hình thức này theo quan niệm để người sống liên lạc với người đã mất trong gia đình, thậm chí liên lạc với thần linh và nhân thần. Tuy nhiên đây là phong tục dân gian, lịch sử văn hóa các dân tộc không bao giờ ghi nhận như hiện tượng chính thức, thậm chí nhiều khi coi đây là mê tín dị đoan, lợi dụng thần thánh. “Bản chất con người rất lạ, càng lâm lý kỳ bí càng sợ hãi. Chúng ta không biết có đời sống tâm linh hư truyền, huyễn hoặc này có thật không, tuy nhiên khi nó bị đẩy lên quá thì lại là câu chuyện khác”, TS Vịnh nói.

“Không có chuyện vong báo oán, đó là bịa đặt”, PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo nói. Phật giáo khuyên con người sống thiện hướng thiện. Ông cho rằng, bỏ tiền ra để hóa giải nghiệp chướng, hay để vong không báo oán là hành vi mù quáng. Nếu thu tiền để giải trừ vong đòi nợ theo PGS.TS Chu Văn Tuấn chính là hành vi thương mại hóa bất chính, đánh vào tâm lý của con người để trục lợi, thậm chí lừa đảo.

Phật giáo có quan niệm về luân hồi nghiệp báo, làm việc xấu tạo quả xấu. Tuy nhiên PGS.TS Tuấn giải thích, tinh thần Phật giáo quan niệm con người có thể thay đổi được nghiệp nhiều hay ít, dựa vào tích đức, hành thiện chứ hoàn toàn không phải việc bỏ tiền ra là được bình an. Việc này cũng giống như người dân gần đây đua nhau dâng sao giải hạn, tạo cơ hội cho một số cá nhân trục lợi dựa trên niềm tin mù quáng.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Vịnh nói, Phật giáo là học thuyết vô thần, chủ yếu khuyên con người giải thoát bằng trí tuệ và trí huệ, tức dùng trí tuệ vượt qua hết tăm tối u mê. Phật giáo nguyên thủy, Phật giáo chính tông không có chuyện bói toán, xem ngày xem giờ, dâng sao giải hạn hay gọi vong.

“Phật giáo du nhập địa phương phải hòa nhập tín ngưỡng bản địa để hoằng dương phật pháp, tuy nhiên đó chỉ là cách thức hoằng dương không có nghĩa ghép tất cả vào thành ra hổ lốn. Không riêng chùa Ba Vàng, gần đây nhiều nơi coi Phật giáo đồng nghĩa tất cả sinh hoạt tâm linh, theo đó nhà sư cũng xem ngày giờ, cúng tế, gọi vong, dâng sao giải hạn. Tôi cho rằng việc thu tiền này là hiện tượng núp bóng, lợi dụng sinh hoạt tôn giáo trục lợi bất chính. Hành vi này làm ô danh Phật pháp, đáng bị lên án bởi tất cả chính sách tôn giáo, Phật giáo đều không có chuyện đó”, TS Vịnh nói.

Coi việc gọi vong, đồng cốt là văn hóa dân gian và nguyện vọng của người dân, các chuyên gia nghiên cứu lưu ý như vậy mức chi phí không cao, thường mang tính chất tự nguyện kiểu “tiền đèn dầu”. Vì vậy cần sự vào cuộc của các cấp có thẩm quyền, sự lên tiếng của dư luận để người dân hiểu rõ hơn, tìm ra cách điều chỉnh hành vi này.

Theo TPO


Bình luận

Tin cùng chuyên mục