Hai đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản đã mang đến cho người hâm mộ một trận Tứ kết mãn nhãn và nhiều cảm xúc trong ngày thi đấu hôm qua. Hai đội chơi ngang ngửa và cống hiến một tinh thần thi đấu sôi nổi nhưng cũng không kém phần văn minh. Bên cạnh lối chơi tích cực của cả hai đội, công nghệ VAR cũng là thứ khiến người hâm mộ “dậy sóng” trong trận đấu hôm qua.
Ở phút 24 đội tuyển Nhật Bản đã đưa được bóng vào lưới sau một pha phạt góc. Các cầu thủ Nhật đã ăn mừng bàn thắng, nhưng sau đó trọng tài Mohammed Abdulla Hassan Mohammed đã yêu cầu sử dụng công nghệ VAR để kiểm tra lại tình huống này và không công nhận bàn thắng của Yoshida. Niềm vui đến với các cầu thủ áo đỏ khi tỷ số vẫn giữ nguyên 0 – 0.
Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, đến phút thứ 55, tuyển Việt Nam lại phải nhận một quyết định bất lợi. Sau khi cầu thủ Ritsu Doan ngã trong vòng cấm của tuyển Việt Nam, trọng tài đã sử dụng VAR và xác định trung vệ Bùi Tiến Dũng đã phạm lỗi với cầu thủ Nhật. Tận dụng tốt cú phạt đền, Nhật Bản ghi được 1 bàn thắng và giữ nguyên tỷ số đến hết trận đấu.
Vậy VAR là gì mà đã cứu tuyển Việt Nam 1 bàn thua trông thấy nhưng cũng khiến chúng ta thua một quả phạt đền. VAR là từ viết tắt của Video Assistant Referee hay trọng tài được hỗ trợ bằng công nghệ video. Trong mỗi trận đấu, bên cạnh trọng tài chính thì còn có một trọng tài chuyên xem xét lại các tình huống quay chậm từ nhiều góc quay khác nhau. Người này còn có hai trọng tài hỗ trợ.
Trong mỗi trận đấu có công nghệ VAR, 3 trọng tài sẽ ngồi trước màn hình với hình ảnh từ 33 camera, trong đó có 8 camera quay chậm, có tốc độ bắt hình siêu nhanh. Họ sẽ phải theo sát mọi quyết định mà trọng tài chính đưa ra.
Khi nhóm hỗ trợ thấy có một quyết định lỗi, họ sẽ liên lạc qua tai nghe tới trọng tài chính, cho trọng tài biết điều đó.
Tại Asian Cup 2019, công nghệ này chỉ được sử dụng từ vòng tứ kết. Trọng tài xem video ở trận đấu này là ông Christopher Beath người Úc, và hai trọng tài hỗ trợ là Muhammad Taqi Bin Jahari từ Singapore and Paolo Valeri từ Italy.
Không phải mọi quyết định trong trận đấu đều có thể can thiệp với VAR. Công nghệ và trọng tài hỗ trợ chỉ có thể can thiệp trong 4 tình huống sau:
– Bàn thắng có hợp lệ hay không
– Quyết định thổi penalty có chính xác hay không
– Tình huống thẻ đỏ trực tiếp có chính xác không
– Trọng tài có ra quyết định thổi phạt hay đuổi nhầm cầu thủ hay không. Lưu ý là trong tình huống này, chỉ có thể xác định có nhầm cầu thủ hay không, nhưng không thể thay đổi quyết định gốc.
Ngoài ra, quyết định do trọng tài hỗ trợ đưa ra cũng không phải quyết định cuối cùng. Thông tin từ trọng tài hỗ trợ chỉ để bổ sung cho trọng tài chính, còn trọng tài chính vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Trước Asian Cup 2019, VAR đã được thử nghiệm ở những giải đấu lớn như Bundesliga và Serie A từ mùa giải 2017-2018, và La Liga từ mùa giải 2018 – 2019. World Cup 2018 là giải đấu quốc tế lớn đầu tiên được áp dụng công nghệ này. Theo BBC, sự có mặt của VAR tại World Cup 2018 đã nâng tỉ lệ ra quyết định đúng của trọng tài từ 95% lên 99,3%.