Hoa hậu Việt Nam 2018
Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga: “Hành trình nhân ái là phương tiện để nhân rộng sự sẻ chia, giúp đỡ”
Gặp gỡ Hoa hậu Việt Nam 1996 Nguyễn Thiên Nga tại phim trường “Hoa hậu Việt Nam 2018 – Người đẹp nhân ái”, chị đã có những chia sẻ vô cùng thú vị sau thời gian dài sinh sống ở Mỹ.

Lý do năm đó chị đến với Hoa hậu Việt Nam năm 1996 là gì?

Trước đó khoảng nửa năm, tôi đã có cơ hội tham gia trình diễn trên sân khấu rất nhiều lần. Bạn bè xung quanh tôi cũng đăng ký thi rất nhiều cộng thêm sự động viên từ gia đình nên tôi quyết định tìm đến với Hoa hậu Việt Nam.

Vậy lần đi thi thứ 2 vào năm 1999 thì như thế nào, chị có thể chia sẻ thêm không ạ?

Năm đó, Bộ Văn hóa thông tin tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lần thứ nhất để tìm cho Việt Nam một đại diện đi thi sắc đẹp quốc tế, cụ thể là Hoa hậu Hữu nghị Đông Nam Á và thế giới. Thời điểm lúc bấy giờ, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do Tiền Phong tổ chức vẫn còn đang mang tên Hoa hậu Toàn quốc.

Nếu là một thí sinh không tên tuổi đến với cuộc thi thì không sao, nhưng với vai trò là một Hoa hậu, tôi vô cùng áp lực. Sau khi đắn đo suy nghĩ, tôi quyết định dự thi bởi chính tôi có những yếu tố xác thực để có thể tự tin vào bản thân mình.

Lập cú đúp khi cả hai lần tham dự đều có được vương miện hoa hậu, cảm giác của chị như thế nào?

Bên cạnh yếu tố may mắn thì sự cố gắng của chính bản thân mình đã giúp tôi chiến thắng trong hai cuộc thi. Từ bé đến lớn, trong mọi việc, tôi đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Và khi kết quả đến với mình, tôi cảm thấy rất vui mừng. Người thân và bạn bè cũng cùng tôi chia sẻ niềm vui này.

Sau khi đăng quang 2 cuộc thi, tương lai của chị sẽ rất rộng mở, tại sao chị không tiến sâu hơn vào con đường nghệ thuật mà lại sang Mỹ?

Đúng vậy, thời điểm đó tôi rất nhiều show. Bản thân tôi nhận được rất nhiều lời mời và giữ nhiều vị trí vedette trong các buổi trình diễn. Những nơi tôi xuất hiện nhận được nhiều sự ưu ái.

Nhưng tôi cảm thấy việc đó cứ lặp đi lặp lại. Về phần mình tôi muốn tìm kiếm và khám phá những thứ mới hơn nên đã quyết định sang Mỹ.

Trong lịch sử 30 năm của cuộc thi, có rất nhiều Hoa hậu theo học tại đại học Ngoại Thương. Cũng là một sinh viên Ngoại Thương, chị có thể lý giải vấn đề này?

Không biết những năm sau này như thế nào, nhưng tại thời điểm của tôi, Ngoại Thương là một trong những trường cực “hot” và quy tụ rất nhiều học sinh, sinh viên giỏi của thành phố và toàn quốc.

Còn về việc thí sinh Ngoại Thương thường giành được thành tích vẻ vang tại HHVN nói riêng và các cuộc thi nhan sắc nói chung là do việc học về kinh tế, am hiểu xã hội và được rèn luyện về ngôn ngữ khiến việc giao tiếp và ứng xử được cải thiện. Do vậy trong những cuộc thi, các cô gái có cơ hội thể hiện mình nhiều hơn. Có nhiều người sở hữu nền tảng kiến thức rất lớn nhưng gặp vấn đề trong việc thể hiện bản thân thì cũng sẽ rất khó để người ngoài có thể nhìn nhận và đánh giá.

Chị thấy thí sinh HHVN năm nay như thế nào?

Các cô gái xinh xắn, lễ phép và có tài ăn nói. Ngày nay, cuộc thi có nhiều “đất” hơn để các cô gái có thể bộc lộ. Ngày trước, không có quá nhiều cơ hội để thí sinh thể hiện, chỉ đi được vài vòng catwalk và trả lời ứng xử.

Sau 18 năm ở Mỹ và quay về, tôi thấy BTC đã làm một chương trình Hoa hậu rất hay và ý nghĩa. Các thí sinh được dịp làm các dự án để trải nghiệm thực tế và trau dồi kinh nghiệm sống rồi đứng trước Ban bình luận, tranh luận để thể hiện khả năng giao tiếp, suy nghĩ logic. Từ đó Ban giám khảo cũng có cái nhìn chân thật và rõ nét hơn.

Theo chị, khi thực hiện một dự án nhân ái, các cô gái sẽ làm được gì cho cộng đồng và nhận lại được điều gì?

Cả hai bên đều nhận được rất nhiều từ nhau. Các cô gái đều nằm trong độ tuổi 18 đôi mươi rất trẻ trung, tươi mới và cũng rất giống như tôi ngày trước, đa phần đến trường rồi về nhà, chỉ tiếp xúc nhiều với người thân, bạn bè và có một cuộc sống đầy đủ. Các em chỉ có thể biết về những hoàn cảnh khó khăn thông qua báo chí, truyền hình.

Việc để các thí sinh thực hiện những dự án nhân ái như thế sẽ mang đến cho các em rất nhiều trải nghiệm và giúp các em học hỏi được nhiều điều. Qua đó, tôi thấy bên cạnh kiến thức, thì sự quan tâm và cảm thông trong các em cũng ngày một lớn dần.

Về phía cộng đồng, họ cũng được giúp đỡ rất nhiều. Chắc chắn họ sẽ cảm thấy vui và được quan tâm. Bên cạnh đó, hành trình nhân ái còn là phương tiện để nhân rộng sự sẻ chia, giúp đỡ thông qua hình ảnh, thông qua những đại sứ là các thí sinh trong chương trình.

Các thí sinh đã rất nỗ lực thực hiện những dự án nhân ái, tuy nhiên khi lên truyền hình các bạn vẫn chưa thể chia sẻ hết câu chuyện. Chị có lời khuyên nào để các bạn có thể lưu loát hơn trong việc bộc lộ bản thân và câu chuyện?

Mình cứ tự nhiên với cả tấm lòng chân thật. Và quan trọng, các em cứ là chính mình. Đôi khi, các em có thể hơi “tiểu thư”, hơi vụng về nhưng đó mới chính là những điểm thật nhất của các em thí sinh. Cứ va vấp rồi các em sẽ lớn lên từng ngày.

Trong 44 thí sinh của vòng chung kết, có đến 7 thí sinh đã và đang học tại trường Ngoại Thương. Chị có lời nào muốn nhắn nhủ đến các bạn thí sinh Ngoại Thương nói riêng và tất cả các bạn nói chung?

Đối với các bạn thí sinh Ngoại Thương, hãy lại một lần nữa mang vinh quang về cho ngôi trường của chúng ta. Tuy nhiên chị vẫn yêu thương và gửi lời chúc may mắn đến với tất cả các thí sinh còn lại.

B.L


Bình luận

Tin cùng chuyên mục