Phim
Hậu Cánh diều 2017: Lo ngại cho phim Việt
Không riêng giải Cánh diều Vàng cho Cô Ba Sài Gòn chưa thỏa mãn giới làm nghề, không ít người tỏ ra lo lắng với xu thế phim Việt hóa đang ngày càng lên ngôi cả điện ảnh lẫn truyền hình.

Diễn viên phim remake vẫn nhận được giải vàng sau khi BTC Cánh diều mở cửa cho dòng phim làm lại.

Vàng là vàng nào?

Trước và sau lễ trao giải, BGK không hài lòng về chất lượng phim năm nay. Cách chọn Cánh diều Vàng cũng chỉ nương theo tiêu chí “so bó đũa chọn cột cờ” hoặc “tìm phim khá nhất” trong số phim dự giải. Trong 39 phim năm qua, chỉ 13 phim dự giải. Dù nhà sản xuất tự loại bớt rất nhiều phim hài nhảm nhưng số còn lại cũng không đạt đến mức nghệ thuật hoặc chinh phục hoàn toàn khán giả lẫn giới làm nghề. NSƯT Vũ Xuân Hưng trong phần đánh giá chất lượng phim dự giải cho rằng chưa phim nào đáp ứng được đủ các tiêu chí đề ra, chưa chạm tới những vấn đề bức xúc trong xã hội, phim được tiêu chí này thì hỏng tiêu chí khác.

NSND đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, thành viên giám khảo nói rằng mấy năm nay dòng phim thị trường lấn át, vắng bóng phim đặt hàng của nhà nước dễ gây cảm giác “điện ảnh đang bị lãng quên, bị bỏ rơi”. Dù thế bà cũng cho rằng không thể trách các nhà sản xuất tư nhân vì họ bỏ tiền làm phim trước hết phải lo doanh thu, khó quy cho trách nhiệm đề cao giáo dục thẩm mỹ. Cô Ba Sài Gòn được giải Vàng dựa vào đề tài, câu chuyện được cho là “đề cao tính dân tộc”, phim được Cánh diều Bạc Cô gái đến từ hôm qua có lẽ cũng được trao giải bởi thuần Việt? Dạ cổ hoài lang nhận bằng khen cũng vì đề cập tính nhân văn.

Hạng mục phim khoa học không chọn được Cánh diều Vàng, thậm chí không có giải đạo diễn, quay phim xuất sắc vì chưa hội đủ yếu tố, tuy nhiên Cánh diều Vàng phim điện ảnh vẫn trao cho phim còn nhiều lăn tăn, chấp nhận thoả hiệp. Lãnh đạo Hội Điện ảnh cho rằng giải thưởng nghề nghiệp mang tính chất động viên và “vàng có nhiều loại, vàng chỉ so với năm đó thôi”. NSƯT Trần Lực- Giám khảo LHP Việt Nam năm 2017- đồng quan điểm: “Cô Ba Sài Gòn chưa đáp ứng mong muốn của BGK nhưng là phim ổn nhất theo đánh giá của BGK thì việc trao Cánh diều Vàng là hợp lí. Không thể so sánh giải năm nay với giải năm trước”.

Hiểm hoạ remake?

Hai năm lại đây với xu thế remake (làm lại, Việt hoá), kịch bản nước ngoài tràn ngập thị trường phim điện ảnh lẫn truyền hình. Giải thưởng Liên hoan phim Việt Nam, Cánh diều của Hội điện ảnh Việt Nam đều chấp nhận mở cửa với dòng phim này. Đương nhiên phim được tham dự tất cả hạng mục cá nhân, không được tranh giải dành cho phim. Tại Cánh diều 2017, cánh cửa mở này cho phép một số các diễn viên nhận giải Cánh diều Vàng với phim remake-Nhã Phương (Yêu đi đừng sợ), NSƯT Trung Anh và diễn viên Thanh  Hương (Người phán xử). Các giải thưởng từ phim điện ảnh, truyền hình, đạo diễn, biên kịch đều trao cho phim thuần Việt, tuy thế một số người vẫn lo ngại về xu thế soán ngôi này phương hại tới phim Việt.

“Phim remake dù sao cũng đem đến cách làm chuyên nghiệp về kịch bản, xử lý hình ảnh, cách xây dựng nhân vật làm cho phim hấp dẫn hơn. Tuy nhiên nhược điểm của nó là làm giảm hoặc không có bản sắc Việt, không khuyến khích sự sáng tạo của nghệ sĩ. Việc sử dụng tác phẩm nước ngoài đương nhiên làm mất đi sự sáng tạo ban đầu, cú hích ban đầu trong sáng tạo nghệ thuật”, NSƯT Vũ Xuân Hưng, Trưởng BGK phim truyện điện ảnh đánh giá.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, Trưởng BGK phim truyền hình phân tích, chính sự ăn khách, vị trí trong thị trường phim ảnh dẫn đến sự thách thức đối với người làm chuyên môn. “Các nhà sáng tác phải tự hỏi tại sao mình không làm được những điều như thế. Ai sáng tác cũng có tự ái cá nhân, đây là cú hích về tinh thần khá tốt đối với đội ngũ sáng tác. Đương nhiên với nhà sản xuất doanh thu tốt tạo điều kiện tái đầu tư cho phim khác, thị trường phát triển hơn. Tuy nhiên nhìn ở khía cạnh khác, chúng ta thấy phim remake tạo ra những hình tượng giới trẻ hướng tới là của nước ngoài không phải của người Việt. Điều đó dẫn đến cả thế hệ thậm chí vài thế hệ sau đó có nguy cơ vong quốc ngay trên đất nước mình”.

Trong hàng chục phim Việt hoá cả điện ảnh lẫn truyền hình thời gian qua, rất ít phim Việt hoá thành công, thậm chí không muốn nói là bê nguyên từng góc máy, câu thoại. “Mặc dù nhiều phim ăn khách, nhưng  không phải phim nào cũng hoàn toàn thoả mãn khán gả Việt. Trình độ Việt hoá cho thấy người thực hiện  nhiều khi không có căn cốt văn hoá đủ mạnh để dẫn dắt câu chuyện cho khán giả chấp nhận một cách hoàn hảo.

Chúng ta đang chỉ lo kiếm tiền thôi, điều này dẫn đến nhiều hiểm hoạ, có khi đến vài ba thế hệ chưa chắc chữa nổi sự thiếu hụt về văn hoá đó”, biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói. NSƯT, đạo diễn Trần Lực lạc quan hơn: “Thế kỷ 21 rồi, thế giới phẳng nên việc làm lại kịch bản nước ngoài là điều hiển nhiên. Mình không có kịch bản hay thì mua kịch bản nước ngoài, có gì phải lo ngại nhỉ. Quan trọng là phim remake được các nhà làm phim Việt dựng lại theo phong cách, quan điểm riêng và mang tinh thần Việt Nam. Ở sân khấu việc này là bình thường”.

Nền công nghiệp điện ảnh khổng lồ như Hollywood coi chuyện remake là chuyện thường, thậm chí tự hào mua kịch bản Vô gian đạo của Hong Kong và làm nên The Departed của Mỹ. Phim này giành Oscar Phim xuất sắc và đạo diễn xuất sắc cho đạo diễn tài hoa Martin Scorsese.

Theo TPO


Bình luận

Tin cùng chuyên mục