Thương nhớ ở ai – một trong những bộ phim được quan tâm nhất trên sóng VTV thời gian vừa qua – đang phát sóng những tập cuối cùng. Đây là tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Bến không chồng (Dương Hướng), đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh đồng thực hiện.
Thời gian đầu phát sóng, Thương nhớ ở ai gây tranh cãi với những cảnh “áo yếm không nội y” của các diễn viên nữ. Nhưng càng về sau, phim dần ghi điểm nhờ xây dựng bối cảnh công phu và trên hết là câu chuyện đầy chân thực về số phận của những người phụ nữ nông thôn.
Hiện tại, Thương nhớ ở ai đã phát sóng đến tập 31 và được đánh giá là tương đối tôn trọng nguyên tác tiểu thuyết trong quá trình chuyển thể. Tính cách, số phận của các nhân vật như Nhân, Hạnh, Vạn gần như được giữ nguyên. Thế nhưng, phim cũng có các tuyến nhân vật mới, và thay đổi tính cách và lý lịch của một số nhân vật trong tác phẩm văn học.
Nhân vật Hơn khác ‘một trời một vực’
Trong Thương nhớ ở ai, Hơn đóng vai trò là nhân vật chính. 10 tập đầu của bộ phim, tình tiết – diễn biến phim chủ yếu xoay quanh nhân vật Hơn dù trong tiểu thuyết Bến không chồng, cô gần như chỉ là một nhân vật phụ.
Số phận của Hơn trong phim cũng có nhiều khác biệt so với nguyên tác văn học. Trong tiểu thuyết, chồng Hơn vì sợ bị đấu tố nên đã “cắn lưỡi” chết. Nhưng với Thương nhớ ở ai, chồng Hơn chuyển thành bị đấu tố “oan” trong sự thương cảm của nhiều người.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh xây dựng Hơn trong bộ phim của mình là người phụ nữ, không chỉ đẹp mà còn hát hay. Lý lịch nhân vật được dẫn giải là gái Kinh Bắc, lấy chồng về làng Đông và “đẹp nhất làng”. “Cô Hơn hát quan họ rất hay, dù từ khi lấy chồng, cô không bao giờ hát”.
Lần hiếm hoi Hơn cất tiếng hát là đêm trước hôm chồng bị đấu tố và xử bắn. Đó cũng là một trong những cảnh phim gây xúc động nhất trong Thương nhớ ở ai. Bèo dạt mây trôi, sau được Hơn hát lại một lần là đêm trước khi cậu con trai tên Tốn lên đường ra mặt trận.
Trong tiểu thuyết của nhà văn Dương Hướng, Tốn sau này sống sót, khỏe mạnh trở về. Nhưng trong phim của Lưu Trọng Ninh, Tốn đã hy sinh ngoài mặt trận và Hơn trở thành mẹ liệt sĩ. Chồng bị đấu tố chết, con trai duy nhất cũng không còn, cuộc đời Hơn trong phim đầy nước mắt.
“Một trời một vực” là cụm từ được nhiều người chọn khi so sánh tính cách của Hơn trong Thương nhớ ở ai và Hơn của Bến không chồng. Trong nguyên tác văn học, Hơn là người có tính cách lẳng lơ. Hơn say mê Vạn và không ngại thổ lộ điều đó bằng cả cử chỉ, lời nói và hành động. Hơn sau này còn chửa hoang với một người đàn ông khi Tốn đã lấy vợ.
Nhưng trong phim truyền hình, Hơn được xây dựng tính cách khác hẳn. Hơn, dù cũng thích Vạn nhưng lại không quá lộ liễu. Khi không được Vạn đáp hồi, Hơn một lòng thờ chồng. Chi tiết chửa hoang đã bị xóa bỏ. Hơn qua diễn xuất của Hồng Kim Hạnh được xây dựng như một người phụ nữ đầy tiết hạnh.
Trao đổi với PV, Hồng Kim Hạnh cho biết cô chưa đọc tiểu thuyết Bến không chồng nên khá bất ngờ khi nhân vật của mình lại được xây dựng hoàn toàn khác so với bản gốc văn học. “Tôi nghĩ cách xây dựng này rất thú vị, giúp nhân vật Hơn chiếm được cảm tình của khán giả hơn”, cô nói.
Tuyến nhân vật mới thay đổi số phận nhân vật cũ
Ngoài Hơn, từ nhân vật phụ chuyển thành nhân vật chính với nhiều thay đổi, phim Thương nhớ ở ai còn bổ sung thêm một tuyến nhân vật hoàn toàn khác so với tiểu thuyết của nhà văn Dương Hướng. Một số nhân vật điển hình có thể kể đến là Nương – một ca nương, Liễu, Thị Mầu và sự hình thành của “xóm không chồng”.
Vì sự xuất hiện của Nương nên Đột – một nhân vật khá mờ nhạt trong tiểu thuyết văn học đã trở thành một gương mặt đầy số phận trên sóng truyền hình. Xuất thân bần cố nông sau làm chủ tịch xã vì không “phá đình” nên Đột mất chức.
Đột gây tội ác khi bắn chết chồng của Hơn, nhưng đây cũng là nhân vật được nhiều người xem truyền hình nhớ đến khi có tình yêu chân thành với Nương – một ca nương về làng. Kiên trì theo đuổi tình yêu suốt nhiều năm dòng, nhưng điều thương cảm lại xảy đến khi đúng ngày Đột đến hỏi cưới Nương thì nhà Nương lại bị thả bom. Nương qua đời khi đang cất tiếng hát.
Cảnh phim đã khiến nhiều người ám ánh, vì sự tàn khốc của chiến tranh và số phận của mối tình “có một không hai” trên màn ảnh.
Một trong những thành công của Lưu Trọng Ninh với Thương nhớ ở ai là tạo ra một tuyến nhân vật mới nhưng lại phù hợp với câu chuyện trong tiểu thuyết. Ngoài Nương, còn là Liễu và đặc biệt là nhân vật Thị Mầu. Thị Mầu dù chỉ xuất hiện ở một vài tập nhưng lại một nhân vật có số phận, và tạo ra không ít chiều kích về mặt nội dung, và thông điệp trong phim.
Thị Mầu tỏ ra là một nhân vật lẳng lơ, bị phụ nữ trong làng khinh ghét nhưng cuối cùng lại chọn cách trầm mình xuống sông thay vì để một cán bộ văn hóa xã hiếp dâm. Một cái chết mà sau này đã khiến cả làng Đông sững sờ khi biết sự thật.
Bến không chồng là một tiểu thuyết hay, điều đó là không phải bàn cãi. Và rõ ràng việc tạo ra những tình tiết mới với những nhân vật mới trong một bộ phim chuyển thể từ một tác phẩm văn học hay là một hành động dũng cảm. Nếu không có sự thấu tỏ nguyên tác văn học, đạo diễn hẳn khó lòng có thể thuyết phục được khán giả.
Theo TPO