Ngày đó, mặc dù là một trong những gương mặt rất nổi bật nhưng chị đã phải rời Thử thách cùng bước nhảy – So you think you can dance (SYTYCD) vào thời điểm tương đối sớm. Cảm giác của chị lúc đó như thế nào?
Lúc đó tôi thật sự không cảm thấy buồn mà thay vào đó là một cảm giác vô cùng xúc động khi bản thân mình đã quyết định lựa chọn nhảy múa làm con đường để phát triển.
Việc tham gia SYTYCD và được đứng trên sân khấu để nhảy múa cũng đã góp phần giúp gia đình tôi có một cái nhìn toàn diện và tích cực hơn về nghề này.
Giây phút tôi phải chia tay chương trình, mọi người đều rất tiếc nuối và tôi vô cùng trân quý những tình cảm đó.
Việc dừng lại ở SYTYCD thật sự là cơ hội, nói chính xác hơn là một bước đệm để tôi có thể nhìn nhận mình một cách rõ ràng hơn, biết mình có gì và mình thật sự đang thiếu những gì. Từ đó, tôi luyện tập và trau dồi để có thể khắc phục điểm yếu, phát huy sở trường và niềm ham thích của bản thân rồi hoạch định được con đường sắp tới mình sẽ đi ra sao.
Cơ duyên nào đưa chị đến với thầy John Huy Trần. Ở thầy có điểm gì làm chị cảm thấy quý mến và kính phục. Chị học được gì từ John?
Anh John Huy Trần làm giám khảo trong cuộc thi “Bước nhảy xì tin” mà tôi tham dự. Nói về anh Huy, thật sự tôi học hỏi được rất nhiều thứ từ anh. Cách thức làm việc chuyên nghiệp, đào sâu, tìm hiểu kỹ càng về con đường mà mình yêu thích và theo đuổi. Và điều tôi cảm thấy tâm đắc nhất ở con người anh Huy chính là sự kiên nhẫn cùng quyết tâm trong công việc.
Quán quân của SYTYCD 5 mùa thì hết 4 mùa là nam, chị có nghĩ nữ giới gặp bất lợi và không thể cạnh tranh với nam giới trong ngành này?
Theo tôi, nhảy múa không có sự phân biệt giới tính giữa nam và nữ. Điều quan trọng ở một người nghệ sĩ nói chung và nghệ sĩ múa nói riêng là việc mang đến cảm xúc cho khán giả.
Quán quân của SYTYCD được chọn ra dựa trên sự yêu thích của khán giả. Vì lẽ đó người chiến thắng là người được khán giả yêu thích nhất chứ chưa hẳn là cá nhân xuất sắc nhất.
Là vũ công, cũng là người làm nghệ thuật, nhưng những đóng góp vô cùng thầm lặng và vinh quang thường không thể so sánh với ca sĩ hay những người mà mình đã hỗ trợ cho họ, có bao giờ chị thấy chạnh lòng cho mình và cho bạn bè làm nghề?
Sẽ thật sự rất may mắn nếu vũ công và biên đạo được công chúng nhìn nhận như một người nghệ sĩ. Khi làm việc, tôi chưa bao giờ đặt nặng tâm thế mình là một nghệ sĩ, mà chỉ đơn thuần mình đang được làm công việc mà mình đam mê và yêu thích nên mình đặt hết tâm sức vào.
Việc đóng góp vào thành công của một tiết mục trên sân khấu, thật ra đã là một sự khích lệ rất lớn. Khi mình làm việc vì đam mê và tác phẩm của mình được công chúng đón nhận nồng nhiệt, đó đã là một kết quả rất tốt đối với riêng bản thân tôi.
Ở thời điểm hiện tại, các bạn vũ công và biên đạo đã năng động hơn thời điểm trước rất nhiều. Các bạn rất chủ động đưa hình ảnh của mình đến gần hơn với khán giả thông qua những video nhảy múa các bạn tự dàn dựng hoặc là những khoảnh khắc các bạn luyện tập cùng các nghệ sĩ. Tôi thấy rất thích thú ở điểm này. Và về bản thân mình ở thời điểm hiện tại, tôi cũng đang “mạnh tay” hơn với câu chuyện giao lưu để hình ảnh mình gần gũi hơn với công chúng, đặc biệt là để mình không tụt hậu.
Theo chị, thời gian làm nghề của một biên đạo và một vũ công có bền lâu như những nghề khác? Làm cách nào để có thể thỏa đam mê mà vẫn sống được với nghề?
Làm nghề có được lâu hay không là do bản thân của mỗi người. Tôi nghĩ, đối với công việc của một vũ công và biên đạo, bản thân mình có thể hoàn toàn chủ động được mà không cần chờ đợi cơ hội đến. Và khi cơ hội đến, mình cần tận dụng tốt để bản thân có được một nền tảng vững chắc. Khi càng đam mê, bạn càng làm được nhiều điều. Và đối với một người làm nghề thông minh, họ ắt sẽ tự biết cách sắp xếp để đà phát triển của nghề nghiệp sẽ tỷ lệ thuận với đà phát triển của cuộc sống.
Xu hướng “đá chéo sân” hiện đang rất thịnh hành trong showbiz. Đã từng thử sức với một vài tiểu phẩm hài kịch. Chị có nghĩ mình sẽ thử sức ở một lĩnh vực mới như ca hát và diễn xuất?
Có thời gian tôi từng bị bão hòa với nhảy múa. Thời điểm đó, tôi quyết định tham gia gameshow. Tôi cảm thấy vô cùng thú vị khi có cơ hội tiếp xúc với những điều mới lạ hơn đồng thời thử lửa trên sân khấu. Và tôi may mắn khi đã nhận ra được thế mạnh của bản thân: thể hiện những thông điệp mà bản thân muốn truyền tải trên sân khấu. Và sau quãng thời gian này, tôi càng có cảm hứng hơn với nhảy múa và dàn dựng tiết mục.
Cơ duyên nào đưa chị đến hợp tác với những chương trình lớn như HHVN, The Face… Đảm nhận vai trò biên đạo cho những chương trình này, cảm giác của chị có áp lực?
Do nhiều lần tôi có cơ hội biên dựng tiết mục trong các chương trình truyền hình. Năng lượng tích cực trong các tiết mục của tôi làm người xem thích thú, và tôi nghĩ đó là lý do chính để mình có thể có cơ duyên hợp tác với những chương trình lớn.
Lúc mới bắt đầu tôi vô cùng bỡ ngỡ và áp lực. Bởi những chương trình như HHVN và The Face đều sở hữu dàn thí sinh xinh đẹp và cao ráo. Tuy nhiên, họ chưa biết gì về nhảy múa nên tôi rất khó khăn để có thể tạo ra một tiết mục đồng diễn đều và đẹp cho toàn bộ các thí sinh. Dù vậy, càng làm tôi càng thấy thú vị, vì mình có dịp giúp các bạn giải phóng hình thể và thấu hiểu cơ thể nhiều hơn.
Mặc dù rất áp lực nhưng tôi vẫn cố gắng sắp xếp mọi thứ để có thể tạo ra một tiết mục hoàn thiện, đồng đều và đẹp mắt để gửi gắm đến công chúng.
Đã từng hợp tác với Thử tài siêu nhí hai mùa và lần này quay trở lại với mùa thứ 3, cảm giác của chị như thế nào?
Làm việc với trẻ con rất vui và nhiều cảm hứng tuy nhiên khi bắt đầu công việc tôi gặp phải rất nhiều vấn đề và áp lực. Đôi khi tôi cảm thấy stress về việc chuẩn bị tiết mục cho các bé. Tuy nhiên, sau những cơn khủng hoảng, tôi vẫn thích cái cảm giác được làm việc với các bé.
2 năm liền được danh hiệu “cô giáo xuất sắc”, tôi cảm thấy rất vui. Và đó cũng là động lực để tôi tiếp tục mùa 3. Đã làm 2 mùa, tôi sợ khán giả sẽ cảm thấy nhàm chán. Tuy nhiên, đó cũng là động lực để tôi có thể cho ra đời những tác phẩm mới mẻ, thu hút và ấn tượng với công chúng nhiều hơn.
Làm việc với các bé tương đối nhiều năng lượng, chị có vấp phải khó khăn gì hay không? Phương pháp làm việc với thiếu nhi có khác gì so với làm việc với người lớn hay không?
Làm việc gì cũng sẽ vấp phải vô vàn những khó khăn. Tuy khó khăn nhưng thứ tôi có được chính là cảm xúc. Khi quay đầu nhìn lại một hành trình đi cùng các bé, tôi thấy các bé thay đổi và tiến bộ lên rất nhiều và đó thật sự là động lực để tôi có thể cố gắng tiếp tục con đường này.
Làm cách nào để có thể cống hiến cho khán giả những tiết mục hay, nhiều màu sắc, đậm tính giải trí nhưng vẫn lưu giữ được nét hồn nhiên, thơ ngây của các bé?
Tôi đặt tâm lý của mình là một người khán giả để biết họ cần cảm nhận gì và thích gì ở một tiết mục nhảy múa. Nếu là trẻ con nhảy thì vẫn phải giữ lại được nét ngây thơ, hồn nhiên của các bé hay vẫn nên có nét chín chắn, trưởng thành của người lớn. Đó là cách để tôi tạo ra một tiết mục nhảy tròn trịa và có nội dung để truyền đặt đến cho khán giả dù đó là một tiết mục vui, buồn hay lắng đọng và ngập tràn cảm xúc.
Tôi luôn tâm đắc một điều như thế này: Bản thân mình phải luôn hết sức mình với mỗi tiết mục để không có sự hối tiếc. Tôi công bằng với tất cả các bé để các bé có thể tỏa sáng hết mình và nếu có dừng lại, thì các bé vẫn có những giây phút thật sự tỏa sáng.
Chị có sợ sự xô bồ của showbiz, hào quang và bon chen làm ảnh hưởng không tốt đến các bé của team chị?
Tôi cũng không lo ngại vấn đề này. Tôi luôn chia sẻ với phụ huynh rằng cuộc thi này không quyết định tương lai của các bé, nó chỉ là cơ hội để các con va chạm và trưởng thành hơn thôi.
Chị có thể chia sẻ thêm những dự định trong tương lai của mình?
Huỳnh Mến sẽ mang nhảy múa đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là các em nhỏ!
Cảm ơn Huỳnh Mến vì buổi chia sẻ ngày hôm nay!