Sao
CEO Phạm Kim Dung: “Bản thân chưa từng bị đánh gục vì bất kỳ điều gì cả”
CEO Phạm Kim Dung - người phụ nữ nổi tiếng đứng sau sự thành công của hàng loạt Hoa, Á hậu nổi tiếng. Cả công việc hay đời sống gia đình của “bà trùm hoa hậu” đều khiến người khác không khỏi ngưỡng mộ. Nhưng không ai biết, để có một Phạm Kim Dung hiện tại, chị đã dùng nghị lực của mình để vượt qua rất nhiều khó khăn, thiếu thốn thuở nhỏ.

PV: Trong một số bài chia sẻ của chị được biết, để có được thành công như ngày hôm nay, chị đã phải trải qua một quá trình, nỗ lực phấn đấu vượt khó, chị có thể kể sơ lược về hoàn cảnh khó khăn của mình trước đây?

CEO Phạm Kim Dung trả lời:

Trước đây, tôi sinh ra trong một gia đình rất đông anh em và rất là nghèo. Mãi đến năm tôi mười mấy tuổi vẫn chưa có điện và vẫn chưa có nước sạch, vẫn dùng nước ở sông, mọi thứ ở đó rất là khó khăn. Thời tôi còn nhỏ, anh em tôi bị chia cắt, ba má tôi phải gửi một vài người đi chỗ này, một vài  người đi chỗ kia, bởi vì mọi thứ quá khó khăn và có lúc là không nuôi nổi con. Mấy anh chị cũng đi học trễ, cơm không đủ ăn, đồ không đủ mặc. Có những lúc mà gia đình nghèo đến độ là vài trăm đồng để mà mua nước mắm, hoặc là nước tương để ăn cơm cũng không có. Sau đó, mọi thứ đỡ hơn một chút xíu khi cả gia đình tôi quyết định lên Thành phố Hồ Chí Minh, nhờ sự quyết liệt của Anh hai tôi khi ấy đi bộ đội về và sự giúp đỡ của gia đình bà nội nuôi.

Lúc mới lên thành phố, ba má tôi vừa nuôi một đàn con nheo nhóc ăn học vừa vay mượn để mua được 1 căn nhà nhỏ xíu ở một xóm nước đen tại Bình Thạnh. Đến giờ tôi ngồi nhìn lại thì tôi nghĩ thật sự là ba má tôi đã được quá nhiều người thương, khi mỗi người cho mượn một ít và không lấy tiền lời. 

PV: Giai đoạn khó khăn nhất của gia đình chị là khi nào?

CEO Phạm Kim dung trả lời:

Giai đoạn nghèo nhất của gia đình tôi là từ khi tôi còn nhỏ cho đến khi tôi bắt đầu vào đại học, nó kéo dài đến 18 năm như vậy. 

Theo lời anh chị tôi kể lại thì lúc họ tầm 8, 9 tuổi là tôi tầm 4 tuổi, 3 anh chị kế tôi nhất được gửi về Đất Đỏ Bà Rịa ở với Ngoại, anh trai lớn hơn nữa vừa đi học thợ máy vừa kiểu giúp việc cho gia đình chủ. Khi đó chị gái thứ 8 của tôi phải lấy một cái chén thật là nhỏ để nhặt những hạt cơm trong một cái nồi mà người hàng xóm ở gần đó đã bưng ra đến sân để rửa chén nhưng còn sót lại, mót lại những cái hạt cơm đó cho chị gái thứ 9 của tôi ăn. Chị ấy đã lấy cái chén thiệt nhỏ để nhìn thấy cơm được còn nhiều trong chén. Mọi thứ lúc ấy thực sự rất khó khăn.

PV: Đã có khi nào hoàn cảnh sống nghèo khó tưởng chừng như đánh gục chị trong quá trình chị chinh phục ước mơ thoát nghèo chưa?

CEO Phạm Kim dung trả lời:

Theo như tôi thấy thì bản thân chưa từng bị đánh gục vì bất kỳ điều gì cả. Tôi nghĩ tại thời điểm khó khăn đó tôi đã lên kế hoạch khá tốt cho quãng đời đó của mình. Tôi xác định là chắc chắn mình sẽ không tốt nghiệp đại học loại giỏi. Tôi xác định là mình không thể nào đi học thêm nhiều cái kỹ năng gì ở thời điểm đó mà mình vẫn sẽ tốt nghiệp đại học. Nhưng mình phải đi làm, mình kiếm nhiều tiền và mình sẽ có nhiều kinh nghiệm. 

Tôi vận hành giai đoạn đó của cuộc đời mình theo cái cách như vậy và cho đến thời điểm hiện nay thì cũng có quá nhiều những cái khó khăn, nhưng mà chưa có khó khăn nào có thể làm tôi chán nản hay là làm tôi cảm thấy gục ngã được hết. Bởi vì tôi nghĩ rằng là mọi vấn đề đều có thể giải quyết được, cái gì không giải quyết được, có nghĩa là không phải là vấn đề và mình cũng không nên quá băn khoăn về nó. Mình phải tự tìm niềm vui, tự sắp xếp mọi chuyện để nó theo cái quỹ đạo của mình.

PV: Có quan điểm cho rằng “Những đứa trẻ không có sự hậu thuẫn của gia đình thường thua ngay ở vạch xuất phát”, chị Dung nghĩ gì về quan điểm này?

CEO Phạm Kim dung trả lời:

Cá nhân tôi không đồng ý với quan điểm này. Tôi nghĩ là có được sự hậu thuẫn của gia đình hay không cũng không phải là điều quan trọng. Trên thế giới hay là ngay cả ở Việt Nam chúng ta, có rất nhiều những doanh nhân họ đi lên từ cái sự nghèo khó, thậm chí là cái điểm xuất phát của họ là con số âm nhưng mà họ vẫn trở thành những tỷ phú thế giới. Ví dụ doanh nhân Đào Hồng Tuyển, Đặng Lê Nguyên Vũ hay là bầu Đức. Trên thế giới thì có nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey, hay những nhân vật rất nổi tiếng như là Jack Ma, Lý Gia Thành hay là ông chủ của Starbucks – Howard Schultz.

Tôi nghĩ rằng sự hậu thuẫn từ gia đình chính là nền tảng cơ bản, nhưng mỗi cá nhân đều phải có sự nỗ lực của riêng mình.Thực tế, cũng có nhiều người được thừa kế nhiều điều tốt từ gia đình, nhưng mà cũng không thể tiếp nhận nó tốt được. Cho nên tôi nghĩ rằng sự thừa kế từ gia đình hoặc sự hậu thuẫn từ gia đình là nền tảng, nhưng mà nếu không có thì chúng ta vẫn có thể tự nỗ lực. Phương châm làm việc của con nhà rất nghèo như tôi rất đơn giản “làm làm làm và làm”. 

PV: Bản thân từng là một người không có sự hậu thuẫn của gia đình, vậy điều gì đã khiến chị Dung không đầu hàng trước số phận?

CEO Phạm Kim dung trả lời:

Tôi có sự hậu thuẫn rất lớn từ gia đình, đó là một gia đình hạnh phúc, một gia đình mà ba má tôi toàn tâm toàn ý lo cho con cái trong khả năng của mình. Sự hậu thuẫn lớn nhất mà ba má tôi cho tôi đó chính là một cơ thể lành lặn, nguyên vẹn, một trái tim ấm áp, một tinh thần luôn nỗ lực, lạc quan trong một bộ não biết suy nghĩ cặn kẽ. Tôi nghĩ là sự hậu thuẫn đó nó quá lớn, và tôi đã dùng chính những cái điều đó để xây đắp cho sự nghiệp của của mình ngày hôm nay. 

Ba tôi cũng hay dạy chúng tôi rằng “ngước lên thì mình không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì cũng còn quá nhiều những người họ khó khăn hơn mình”. Tôi thấy điều đó rất đúng và điều quan trọng là chúng ta phấn đấu, chúng ta nỗ lực để vượt lên chính mình chứ đừng nên so sánh mình với người khác. 

PV: Với vai trò là một người mẹ và các con của chị chắc chắn sẽ được thừa hưởng những nền tảng tốt từ chị và anh Nam, nói cách khác con của chị là những đứa trẻ có sự hậu thuẫn của gia đình? Vậy bài học mà chị sẽ dạy cho con của mình là gì để các bé không khinh suất hay ỷ lại vào nguồn tài nguyên của bố, mẹ mình sau này?

CEO Phạm Kim dung trả lời:

Thật ra là các em bé nhỏ thì chưa hiểu gì đâu và cũng chưa biết đó là cái gì. Nhưng mà với đứa con lớn thì chúng tôi luôn nói với bạn rằng là những thứ ba mẹ có, nó không phải là của con. Và con có tự tạo được cho mình sự nghiệp của con hay không, nó phụ thuộc vào chính con. Đương nhiên là ba mẹ sẽ giúp đỡ con về mặt ý tưởng, sẽ góp ý thêm với con về mặt định hướng, cái lớn nhất mà ba mẹ cho con đó là học vấn, là những cái trải nghiệm của ba mẹ. 

Hơn nữa, chúng tôi cũng không nghĩ rằng mình đủ giàu, có tài sản khủng cho các con thừa hưởng. Tôi nghĩ chúng tôi là những người bình thường. Chúng tôi luôn trao đổi với con trai lớn là ba mẹ rất bình thường và con phải nỗ lực để con có sự nghiệp của riêng con. Tôi tin rằng các con tôi sẽ giỏi hơn chúng tôi rất nhiều và chắc chắn chúng nó không cần tài sản của cha mẹ. Con trai lớn của tôi hiện nay đang học năm cuối đại học, cũng đã tự tạo một business nho nhỏ cho riêng mình. Tôi cũng có hỏi là con sẽ có làm việc củng ba mẹ khi ra trường không thì bạn ấy đã rất dứt khoác là con muốn có công việc riêng của con, khi nào Ba Mẹ quá lớn mà cần con giúp thì con sẽ suy nghĩ phương án để giúp Ba Mẹ.

PV: Một thông điệp mà chị Dung muốn nhắn nhủ đối với những bạn trẻ đang chông chênh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn,  không có nhiều điều kiện để phát triển?

CEO Phạm Kim dung trả lời:

Tôi là một cái đứa trẻ trải qua nhiều khó khăn và nhưng mà tôi không chông chênh. Tôi nghĩ rằng các bạn trẻ phải cố gắng để xóa hẳn những khái niệm sau đây trong đầu mình “chông chênh, mất phương hướng, không có động lực, buồn…” tất cả những khái niệm này không để tồn tại trong não bộ của chúng ta. Thời nay bạn có rất nhiều thông tin, rất nhiều người giúp mình định hướng, giải tỏa cho mình…. Nên hãy chia sẻ và tìm cách tiến bộ, đừng để mình tự thao túng tâm lý mình bằng những suy nghĩ tiêu cực. Bạn cứ cố gắng học tập cho thật tốt, cố gắng kiếm một việc làm và chăm chỉ với công việc đó. Không có cách nào khác để bạn thành công hay nếu bạn không chăm chỉ. 

Tôi cũng vậy, đến bây giờ tôi vẫn rất làm việc rất chăm chỉ. Tôi làm việc nhiều hơn tất cả các nhân viên của mình, và tôi luôn muốn thấy mình phải hôm nay phải khác mình ngày hôm qua. Tôi là người luôn luôn có một cái tỉ lệ lo lắng và sợ hãi trong con người mình. Tôi nghĩ mình không thể nào sống an toàn cho đến lúc mình già, ai cũng có thể có những cái điều gì đó nó đột ngột xảy ra, thì mình phải chuẩn bị và dự phòng trước. Mình phải luôn nỗ lực, luôn phấn đấu và nỗ lực. Không có con đường nào khác ngoài con đường chăm chỉ, ngoại trừ làm những việc sai trái.

Nếu như gia đình bạn không thể hậu thuẫn được cho bạn thì ngay từ khi bạn còn đi học, bạn hãy cố gắng học thật giỏi, cố gắng tranh thủ học thêm tiếng Anh, học thêm ngoại ngữ. Đến giờ tôi vẫn đi học và tôi vẫn học rất là chăm chỉ. Ngoại ngữ chính là một cánh cửa rất là tốt để mở cho cuộc đời của bạn sang một cái trang khác.

Điều thứ hai là nếu bạn đi làm thì hãy thật sự chăm chỉ và cố gắng phát huy thật tốt công việc của mình ở tại chính cơ quan đó. Bởi vì chắc chắn những người lãnh đạo họ sẽ nhìn thấy sự nỗ lực của bạn, và bạn sẽ được thăng tiến. Bạn thăng tiến thì lương của bạn sẽ cao hơn, cơ hội nghề nghiệp cũng sẽ phát triển hơn, thậm chí bạn có cả sự nghiệp riêng của mình. Đừng có ngồi chờ sung rụng hay đừng ngồi chờ một cái phép màu nào hết. Bạn đừng nghĩ rằng một đứa trẻ có sự hậu thuẫn từ gia đình thì sẽ mãi mãi là như vậy. Nếu có sự hậu thuẫn từ gia đình mà bản thân không nỗ lực thì bạn không thể giữ được khối tài sản đó mãi được. 

PV: Cảm ơn những chia sẻ của CEO Phạm Kim Dung. Chúc chị nhiều sức khỏe và tiếp tục gặt hái nhiều thành công.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục