Lễ trao Giải Oscar lần thứ 91 vừa chính thức khép lại với giải thưởng quan trọng nhất – “Phim truyện xuất sắc” thuộc về tác phẩm “Green Book” của đạo diễn Peter Farrelly.
Chiến thắng này gây nhiều bất ngờ vì ứng cử viên sáng giá ở hạng mục này là “Roma” của nhà làm phim người Mexico Alfonso Cuarón, người vừa được xướng tên ở giải “Đạo diễn xuất sắc”.
Không chỉ vậy, “Green Book” còn có một mùa giải “ăn nên làm ra” khi ẵm thêm hai tượng vàng khác cho “Nam diễn viên phụ xuất sắc” (Mahershala Ali) và “Kịch bản chuyển thể xuất sắc”.
“Green Book” là phim điện ảnh hài/chính kịch Mỹ ra mắt vào ngày 21/11/2018 về đề tài phân biệt chủng tộc. Lấy bối cảnh tại vùng Thâm Nam Mỹ vào thập niên 1960, phim dựa trên câu chuyện có thật về chuyến hành trình của một nghệ sĩ piano nhạc jazz và nhạc cổ điển người Mỹ gốc Phi Don Shirley (Mahershala Ali) và Tony Vallelonga (Viggo Mortensen), một cựu bảo vệ quán bar da trắng đang thất nghiệp.
Kịch bản phim được chấp bút bởi đạo diễn Peter Farrelly, Brian Currie và Nick Vallelonga, con trai của nhân vật chính Don, dựa trên những cuộc nói chuyện giữa cha anh và Shirley, cũng những bức thư mà ông viết gửi cho mẹ anh.
Tựa đề phim đặt theo “The Negro Motorist Green Book”, một cuốn cẩm nang du lịch vào giữa thế kỉ 20 dành cho khách du lịch người Mỹ gốc Phi của tác giả Victor Hugo Green, nhằm giúp họ tìm kiếm nhà nghỉ và nhà hàng sẽ chấp nhận họ.
Trong phim, Tony Vallelonga là một cựu bảo vệ quán bar thô lỗ, thích giải quyết mọi việc bằng nắm đấm. Như nhiều người da trắng vào thập niên 60, Tony thích ăn gà rán, hotdog và ghét người da đen tận xương tuỷ. Tony định kiến rằng, người da trắng thông minh, tài trí hơn, trong khi người da đen là hạ đẳng. Điều này thể hiện rõ ở hành động ném những chiếc ly mà người da đen từng sử dụng.
Trớ trêu thay, trong lúc thất nghiệp, Tony được thuê để trở thành tài xế kiêm vệ sĩ hộ tống nghệ sĩ piano gốc Phi Don Shirley trong chuyến lưu diễn đến miền Nam nước Mỹ, nơi đạo luật Jim Crow (cho phép kỳ thị chống lại người gốc Phi) ăn sâu vào suy nghĩ của người dân.
Trái ngược với Tony, Don là một thần đồng âm nhạc, có cuộc sống vương giả trong căn hộ phía trên nhà hát Carnegie Hall (New York). Tuy thuộc tầng lớp thượng lưu, Don vẫn phần nào bị ảnh hưởng bởi sự phận biệt chủng tộc. Anh bị mặc cảm về màu da, cũng như có xu hướng đối nghịch với những người khác mình. Khác với Tony, Don trầm lặng hơn và có xu hướng cam chịu, thể hiện ở cảnh không phản ứng lại lúc bị người da trắng tấn công.
Hai con người xa lạ, trái ngược nhau về xuất thân và tư tưởng, lại được gắn kết với nhau trên một chuyến xe và cuốn cẩm nang du lịch. Từ khó chịu về nhau, hai người trở nên thấu hiểu, tôn trọng nhau, rồi trở thành những người bạn thân thiết.
Điểm cộng của phim là thông qua hành trình của hai người đàn ông truyền tải được thông điệp về sự bình đẳng. Kịch bản mới mẻ, thú vị khi hoán đổi vị trí của các nhân vật so với các tác phẩm đề tài phân biệt chủng tộc trước đây (người da đen địa vị cao, người da trắng làm thuê).
Nội dung phim hài hước, có khai thác diễn biến tâm lý nhân vật nhưng ở mức độ vừa phải, không quá nặng nề. Phần lời thoại tốt, không đánh đố người xem. Nhạc nền được đánh giá cao.
Hai diễn viên thực lực Viggo Mortensen và Mahershala Ali khắc hoạ thành công tính cách nhân vật, vừa thể hiện được chiều sâu tâm lý.
Tuy nhiên, phim cũng có những điểm trừ như mạch phim chậm, một số lời thoại ngầm ý kỳ thị chủng tộc gây khó chịu, phần cuối dễ đoán, thiếu sự tinh tế cũng như khoảng trống để người xem suy ngẫm…Các nhà phê bình đánh giá, phim dễ xem, nhưng chưa đủ tầm để vượt qua các cái tên như “Rome”, “The Favorite” hay “Vice”…
Tuy nhiên, sau tất cả, “Green Book” vẫn thắng lớn tại Oscar 2019, cũng như “toả sáng” tại Quả cầu Vàng 2019, LHP Quốc tế Toronto 2018…