Người nổi tiếng
Bạn Khỏe Không?: Chậm nói và rối loạn ngôn ngữ
Kỹ năng nói được hình thành sớm giúp bé thành công trong việc phát triển kỹ năng đọc, viết và giao tiếp suốt thời thơ ấu và cuộc sống sau này. Do đó, trong những năm đầu đời, ba mẹ nên dành thời gian để dạy bé tập nói.

Kỹ năng nói được hình thành sớm giúp bé thành công trong việc phát triển kỹ năng đọc, viết và giao tiếp suốt thời thơ ấu và cuộc sống sau này. Do đó, trong những năm đầu đời, ba mẹ nên dành thời gian để dạy bé tập nói.

Vấn đề này sẽ được bàn luận trong cuộc trò chuyện giữa Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A, diễn viên Bích Trâm và MC Quang Huy.

Dấu hiệu trẻ bị rối loạn ngôn ngữ

  • Trẻ thường xuyên không nhớ tên gọi của những vật dụng xung quanh, thay vào đó sử dụng các từ thay thế như “cái đó” hay “cái ấy” để diễn đạt.
  • Trẻ thường xuyên lẫn lộn những từ có liên quan với nhau, ví dụ như gọi “cái bàn” là “ghế”, gọi “thịt bò” là “thịt gà”.
  • Vô thức đảo từ như “mèo con” thì đọc thành “mòn ceo”.
  • Nói những câu khó hiểu hoặc sắp xếp từ ngữ trong câu sai thứ tự.
  • Dùng sai hoặc nói sai các câu thành ngữ, tục ngữ.
  • Trẻ luôn hiểu mọi thứ theo đúng nghĩa đen nên không hiểu được những câu nói ẩn ý.
  • Trẻ không thể tập trung khi nghe người khác nói, đặc biệt là khi có những tiếng ồn như tiếng tivi, tiếng nhạc.
  • Trẻ không hứng thú khi nói chuyện, ngay cả khi nói chuyện với người nhà hay bạn bè thân thiết.
  • Trẻ không nhớ được thông tin trong cuộc đối thoại vừa xảy ra.
  • Trẻ tỏ ra không lắng nghe khi bạn hay ai đó nói chuyện với trẻ.
  • Trẻ không quan tâm khi có người đọc sách cho mình nghe.
  • Trẻ không hiểu được những câu nói phức tạp.

Nhìn chung, những biểu hiện nêu trên lặp đi lặp lại với tính chất thường xuyên thì nên đưa trẻ đi khám. Trẻ chậm nói có khả năng nghe và nói kém hơn so với bạn bè cùng lứa tuổi. Bạn cũng không thể loại trừ nguyên nhân do di truyền, mức độ được làm quen với ngôn ngữ, mức độ phát triển chung của nhóm trẻ trong cộng đồng dân cư, trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ, bị tổn thương não bộ do chấn thương, khối u, bệnh tật.

Ảnh hưởng của rối loạn ngôn ngữ đối với trẻ

Rối loạn ngôn ngữ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, tiếp thu kiến thức và tham gia các hoạt động vui chơi của trẻ. Các rối loạn này thường được phát hiện khi trẻ lên 4 tuổi. Đối với trẻ gặp khó khăn khi tiếp thu ngôn ngữ thì khả năng diễn đạt cũng gặp khó khăn. Rối loạn ngôn ngữ chủ yếu là rối loạn cấu trúc ngôn ngữ, rối loạn khả năng nghe, khả năng giao tiếp bình thường, nhưng không bị tổn thương về thần kinh chi phối lời nói.

Một số rối loạn ngôn ngữ hay gặp như chậm nói, nói ngọng, nói lắp, nói sai ngữ pháp. Nếu trẻ chậm nói, nói ngọng, nói lắp sẽ dễ rơi vào tình trạng thụ động, thiếu tự tin và kém hòa nhập. Vì vậy, phụ huynh cần kết hợp việc dạy trẻ nói, sửa lỗi khi trẻ phát âm chưa đúng, với khuyến khích động viên trẻ hòa nhập với mọi người, vui chơi với bạn bè để trẻ có nhiều cơ hội giao tiếp.

Các rối loạn ngôn ngữ khác như trẻ nói chuyện một mình, phát âm vô nghĩa, nói nhại lời, nói lộn xộn là hậu quả của một số khuyết tật về phát triển hoặc rối loạn tâm lý. Trẻ cần đi khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Phòng tránh rối loạn ngôn ngữ cho trẻ em

Để phòng tránh hoặc hạn chế tối đa rối loạn ngôn ngữ ở trẻ thì biện pháp quan trọng hàng đầu là các bậc phụ huynh và người thân trong gia đình phải tránh hoặc hạn chế việc cho trẻ từ 0 – 3 tuổi tiếp xúc với TV, máy tính, máy chơi game, điện thoại.

Thêm vào đó, phụ huynh cần phải tăng cường cho trẻ giao tiếp trực tiếp để hướng dẫn trẻ làm quen với các đồ vật, hành động, cử chỉ liên quan đến các yêu cầu và mong muốn. Trẻ cần được luyện nói rõ ràng, phương pháp này được áp dụng thành công ở các lớp mẫu giáo, các trung tâm nuôi dạy trẻ.

Trong biện pháp giáo dục trực tiếp này, cô nuôi dạy trẻ hoặc người lớn cùng tham gia vào các trò chơi, các bài học để hướng dẫn uốn nắn cho trẻ nghe, nói chuẩn từ ngữ giúp trẻ phát triển khả năng nghe, nói, sử dụng ngôn ngữ chính xác. Nhờ đó trẻ em trở nên mạnh dạn hơn trong giao tiếp, biết sử dụng các từ ngữ cần thiết để biểu đạt nhu cầu hay biểu lộ tình cảm.

Cha mẹ và người thân trong gia đình cũng cần khuyến khích khả năng nói, hát, tham gia các trò chơi, tăng cường cho trẻ tiếp xúc với những hoạt động hấp dẫn. Khi dạy trẻ nghe và nói, phụ huynh không nên sử dụng các biện pháp ép buộc mà cần kiên trì, dạy trẻ mỗi ngày một số từ và câu nói mới.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

(Nguồn ảnh trong bài viết: Internet)

Quý vị đừng quên đón xem “Bạn khỏe không?” được phát sóng vào lúc 19 giờ 35 phút vào thứ hai hằng tuần trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục