Để những chuyến đi xa, đi công tác không bị ảnh hưởng vì mắc bệnh, mọi người cần nghiên cứu và lên kế hoạch thật tỉ mỉ cho hành trình của mình, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe. Vấn đề này sẽ được bàn luận trong cuộc trò chuyện giữa bác sĩ Vĩnh Niên, diễn viên Phương Linh và MC Phụng Yến.
Kiểm tra tình hình y tế ở nơi cần đến
Dù dịch bệnh đã ổn định, việc đi xa cũng trở nên dễ dàng dàng hơn nhưng việc tìm hiểu về tình hình y tế tại địa điểm dự định đến vẫn rất quan trọng. Nếu ở trong nước, các gia đình có thể tìm kiếm thông tin trên báo, đài hoặc website của Bộ Y tế, trạm y tế dự phòng tại địa phương đó. Để chuẩn bị hành lý, giấy tờ tốt hơn, các thông tin mọi người cần quan tâm là: thời tiết, các dịch bệnh mới xuất hiện gần đây, yêu cầu về tiêm chủng…
Kiểm tra sức khoẻ cá nhân
Nhằm đảm bảo thể trạng lẫn tinh thần luôn ở trạng thái tốt nhất cho chuyến đi, các thành viên tham gia nên tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát cũng như đáp ứng đầy đủ liều tiêm phòng vaccine Covid-19 hoặc các bệnh nguy hiểm khác đầy đủ. Trường hợp cá nhân có bệnh lý nền cần sử dụng thuốc thường xuyên, nên tái khám trước chuyến đi ít nhất một tuần để hỏi bác sĩ về những lưu ý quan trọng.
Trang bị kem chống nắng
Nắng nóng chứa nhiều tia độc hại khiến da bị tổn thương nặng khi tiếp xúc trong thời gian dài. Để bảo vệ làn da khỏi tia UVA – UVB có hại, giảm nguy cơ phát triển ung thư da, mọi người nên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất 30 để đảm bảo độ che phủ tốt và thoa lại sau mỗi 2 giờ.
Uống nước đầy đủ
Tâm lý ngại đi vệ sinh khiến nhiều người thường ít hoặc quên uống nước. Điều này có thể khiến cơ thể bị mất nước, thiếu khoáng chất, sinh ra mệt mỏi, đau đầu và các vấn đề khác. Để tránh ảnh hưởng đến chuyến đi, mỗi cá nhân nên giữ trong túi một chai nước riêng và uống thường xuyên, vừa đảm bảo bổ sung nước kịp thời, vừa kiểm soát được lượng nước cần uống, liều lượng phù hợp trong ngày là 1,5 – 2 lít.
Ăn uống khoa học
Hầu hết mọi người đều có xu hướng ăn uống quá đà, ăn lệch giờ. Tuy nhiên, việc làm này có thể dẫn đến những hệ lụy không tốt cho sức khỏe, gây mất cân bằng dinh dưỡng, thậm chí rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày… Ngộ độc thực phẩm cũng là tình trạng thường gặp. Các gia đình cần lưu ý về thời gian giữa các bữa ăn nhằm giảm tải gánh nặng cho hệ tiêu hoá.
Chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân
Khí hậu nóng ẩm cộng với việc thay đổi môi trường đột ngột do di chuyển liên tục, ô nhiễm không khí, khói bụi… cũng là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn, virus gây bệnh đường hô hấp tấn công cơ thể. Mỗi người cần chủ động thực hiện những biện pháp hạn chế virus xâm nhập, bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe như: đeo khẩu trang khi đến những khu vực đông người; rửa tay trước, sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh; tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng…
Quý vị đừng quên đón xem “Bạn khỏe không?” được phát sóng vào lúc 19 giờ 35 phút vào thứ hai hằng tuần trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1.