Người nổi tiếng
Bạn Khỏe Không?: Sự khác biệt giữa viêm gan A, viêm gan B và viêm gan C
Gan là một cơ quan quan trọng xử lý các chất dinh dưỡng, lọc máu và chống lại nhiễm trùng. Khi gan bị viêm hoặc bị hư hại, chức năng của nó sẽ bị ảnh hưởng. Có nhiều loại virus gây viêm gan bao gồm Virus viêm gan A (HAV), B (HBV), C (HCV), D […]

Gan là một cơ quan quan trọng xử lý các chất dinh dưỡng, lọc máu và chống lại nhiễm trùng. Khi gan bị viêm hoặc bị hư hại, chức năng của nó sẽ bị ảnh hưởng. Có nhiều loại virus gây viêm gan bao gồm Virus viêm gan A (HAV), B (HBV), C (HCV), D (HDV), E (HEV), G(HGV), ngoài ra còn có một số virus cũng làm tổn thương gan nhưng không được xếp vào loại virus hướng gan như CMV, EBV,… trong đó Virus A, B, C là hay gặp nhất. Bệnh nhân viêm gan có thể do 1 loại virus hay đồng nhiễm hai hoặc 3 loại virus khác nhau gây ra.

Vấn đề này sẽ được bàn luận qua cuộc trò chuyện giữa bác sĩ Yến Loan, diễn viên Lê Nam và MC Quang Huy.

Viêm gan là gì?

Viêm gan tức là gan bị viêm hoặc bị hư hại, tổn thương. Sử dụng rượu nặng, độc tố, và một số loại thuốc có thể gây viêm gan. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do virus viêm gan gây ra. Viêm gan virus mạn đa số tiến triển âm thầm, giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, khi phát hiện ra bệnh đã chuyển thành xơ gan. Các loại virus viêm gan phổ biến nhất là virus viêm gan A, virus viêm gan B và virus viêm gan C.

Viêm gan A là gì?

Viêm gan A là một bệnh nhiễm trùng gan rất dễ lây lan do virus viêm gan A gây ra. Bệnh nhẹ kéo dài một vài tuần đến vài tháng. Mặc dù diễn biến lành tính, tuy nhiên viêm gan A có thể gây tử vong ở một số người. Viêm gan A thường lây lan khi một người vô tình ăn phải thực phẩm hoặc đồ uống bị ô nhiễm hay tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.

Virus viêm gan A thuộc họ Picornaviridae, thuộc nhóm Piconavirus, là virus nhỏ, hình khối đa diện (hoặc hình cầu) đường kính 27 nm, ARN một sợi đơn nucleotit. hình thể giống hình cầu. Virus không có bao ngoài (virus trần)

Thời gian ủ bệnh từ 15- 45 ngày, trung bình 30 ngày. Phần lớn các trường hợp nhiễm HAV không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt, bệnh tự khỏi. Các triệu chứng sốt, chán ăn, rối loạn tiêu hoá, mệt mỏi không không rõ nguyên nhân kéo dài 3- 6 ngày, có các rối loạn về men gan, tăng transaminase và tăng bilirubin. Tiếp theo là giai đoạn hoàng đản (vàng da) kéo dài vài ba tuần khỏi hoàn toàn trong vòng 8- 12 tuần không chuyển thành mạn tính, không có tình trạng người lành mang virus.

Viêm gan B là gì?

Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng do vi rút tấn công gan và có thể gây viêm gan cấp tính và mãn tính, ước tính có đến gần 1/3 dân số thế giới mắc bệnh, tỷ lệ mắc nhiều nhất tại các nước đang phát triển. Đối với một số người bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính, có nghĩa là bệnh kéo dài hơn 6 tháng tăng nguy cơ dẫn đến suy gan, ung thư gan hoặc xơ gan. Sau khi nhiễm virus, có khoảng 10% số người nhiễm bệnh khởi phát thành viêm gan cấp, số còn lại không có triệu chứng, tiến triển âm thầm. Đây chính là nguồn lây bệnh nguy hiểm cho cộng đồng. Bệnh lâu dần có thể tiến triển thành xơ gan, suy gan và cuối cùng là ung thư tế bào gan.

Nhiễm virus ở lứa tuổi nhỏ thường dễ tiến triển thành các dạng mạn tính nghiêm trọng. Tần suất tiến triển thành dạng mạn tính ở trẻ em nhiễm virus từ mẹ rất cao 40-80%, trong khi đó tỷ lệ này ở người trưởng thành là 5-10%.

Viêm gan C là gì?

Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm do Hepatitis C virus (HCV) gây nên, là một bệnh lặng lẽ nhưng những hậu quả để lại rất nghiêm trọng. Tuy là thế nhưng bệnh viêm gan C hiện nay rất ít được quan tâm để ý. Thế giới mỗi năm có khoảng 3% dân số bị mắc bệnh viêm gan C và khoảng 170 triệu người lành mang trong mình virus viêm gan C.

Virus viêm gan C là tác nhân chủ yếu gây viêm gan sau truyền máu. Tuỳ theo từng vùng, 70-90% các trường hợp sau truyền máu và khoảng 30- 40% viêm gan tản phát không rõ nguyên nhân là do virus viêm gan C . Theo các nghiên cứu khác nhau, từ 50-70% các trường hợp nhiễm virus có thể tiến triển thành dạng mạn tính.

Đường lây truyền HCV Chủ yếu bằng đường truyền máu. Các sàng lọc máu người trong những năm trước chưa phát hiện được HCV nên con đường truyền máu là đường lây bệnh chủ yếu của HCV. Các đường khác : chích ma tuý, tiêm, phẫu thuật, nội soi, sinh thiết, thẩm phân máu, thẩm phân phúc mạc, ghép cơ quan đều lây truyền HCV. Ngoài ra còn lây theo đường tình dục .

Triệu chứng bệnh

  • Viêm gan A: Các bệnh nhân sẽ có những biểu hiện sau vài tuần khi nhiễm virus viêm gan A. Các triệu chứng thường gặp là sốt, tiêu chảy, đau bụng, đau cơ, đau khớp. Phần lớn các triệu chứng không hoặc ít xuất hiện rõ nét. Thường các triệu chứng xuất hiện khi bệnh chuyển biến nặng
  • Viêm gan B: Các triệu chứng của bệnh viêm gan B cũng khó nhận biết, một số triệu chứng phổ biến thường gặp như sốt, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, nôn, buồn nôn, vàng da…
  • Viêm gan C: Đây là một loại nhiễm trùng cấp tính nhưng nếu kéo dài trên 6 tháng thì sẽ được coi là tình trạng mãn tính và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Triệu chứng thường gặp bao gồm sốt, mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, đau khớp, vàng da

Đường lây truyền

  • Viêm gan A: Viêm gan A lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa, vi rút viêm gan A lây lan qua con đường tiếp xúc trực tiếp giữa người lành với phân hoặc các đồ vật, dụng cụ có dính phân của người bị viêm gan A qua đường miệng. Các vi rút gây bệnh này sẽ theo đường tiêu hóa đi vào trú ngụ và tấn công gan của người bị lây nhiễm.
  • Viêm gan B: Vi rút viêm gan B lây qua đường máu. Tức là khi tiếp nhận trực tiếp máu của người bị viêm gan B khi dùng chung bơm kim tiêm, sử dụng chung dao cạo râu, hay tiếp xúc trực tiếp vết xước với máu nhiễm vi rút sẽ bị lây nhiễm bệnh viêm gan B. Viêm gan B còn có tính di truyền từ mẹ sang con. Những người bị viêm gan B khi sinh con cũng sẽ truyền loại vi rút này sang con. Viêm gan B có thể lây lan qua đường tình dục. Việc quan hệ tình dục không an toàn với người bị viêm gan B cũng sẽ bị nhiễm bệnh.
  • Viêm gan C: Viêm gan C có thể lây truyền thông qua máu của người nhiễm bệnh. Những người tiêm chích ma túy dùng chung bơm kim tiêm cũng có nguy cơ cao bị viêm gan C. Viêm gan C cũng có thể lây truyền qua đường tình dục hoặc lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.

Quý vị đừng quên đón xem “Bạn khỏe không?” được phát sóng vào lúc 19 giờ 35 phút vào thứ hai hằng tuần trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục