Chắc có lẽ không ít người từng nhận được những cuộc gọi mà người ở đầu dây bên kia tự xưng là CSGT, CSHS, nhân viên y tế, nhân viên ngân hàng, nhân viên bảo hiểm.v..v.. với đủ các hình thức, chiêu trò lừa đảo khác nhau đánh vào tâm lý nạn nhân, hòng chiếm đoạt tài sản.
Tình huống sau đây cũng là một vụ việc tương tự, nhưng chiêu trò của đối tượng này thì lại có phần tinh vi hơn, khi nạn nhân bị gán ghép vào những tình huống như vi phạm luật giao thông, gây tai nạn giao thông hay thậm chí là các hoạt động phi pháp có tính chất nghiêm trọng.
Chị H. bất ngờ nhận được cuộc điện thoại thông báo từ “Cục Quản lý giao thông” về việc có một biên lai chưa thanh toán.
Đối tượng yêu cầu chị H bấm số 9 để thực hiện các bước tiếp theo. Chị H cho biết, khi có người đầu dây bên kia thông tin nói về việc có biên lai chưa thanh toán, chị có thắc mắc “làm gì có chuyện đó”.
Ngay sau đó, “tổng đài viên” đề nghị chị H cung cấp tên tuổi, số căn cước công dân, địa chỉ… để tra cứu. Đang bận bán hàng, chị gắt “tôi không có hoá đơn nào cần thanh toán” thì kẻ ở đầu bên kia điện thoại đáp: “Không có thì cúp máy đi”.
Trước đó, anh T (Hoàng Mai, Hà Nội) bị đánh thức bởi cuộc điện thoại có đầu số +1844498… thông báo lỗi vi phạm giao thông tại Đà Nẵng.
Anh T cho biết, tổng đài thông báo có biên lai cần nộp phạt và yêu cầu kết nối với Cục Cảnh sát giao thông. Tổng đài viên tự xưng mình làm ở Cục Quản lý giao thông và đề nghị cung cấp số biên bản.
“Nếu chưa nhận được số biên bản, yêu cầu cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân… để tổng đài kiểm tra”, giọng nam nhân viên nói.
Tin thật, anh T đã cung cấp tên, tuổi, chứng minh nhân dân thì được biết anh gây tai nạn rồi bỏ chạy, và cơ quan chức năng đang điều tra.
Anh phân bua với tổng đài rằng mình không có mặt ở Đà Nẵng trong khoảng thời gian như phiếu phạt. Họ đưa ra đủ lý do rằng có thể tôi làm rơi giấy tờ xong bị giả mạo hoặc ai đó làm giấy tờ giả để thuê xe.
Sau gần 30 phút trao đổi, anh T cương quyết từ chối nhận lỗi và tổng đài viên đã dập máy.
Hai trường hợp chị H và anh T may mắn hơn anh P.
Theo anh P, vừa qua anh nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là công an. Người này thông báo anh P vi phạm giao thông.
Đối tượng còn nói anh có liên quan đến việc mua bán tài khoản ngân hàng để rửa tiền. Để xác định anh P không liên quan đến các vụ việc trên, đối tượng yêu cầu anh P phải chứng minh tài chính bằng cách chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp.
Sau khi chuyển khoản, anh P phát hiện mình bị lừa đảo.
Theo quy định, tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, đều được lực lượng CSGT gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm.
Cần lưu ý, Cục CSGT cũng như các đơn vị CSGT sẽ không gọi điện thoại thông báo vi phạm cho người dân, cũng không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào.
Bên cạnh đó, nếu cần làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương và tuyệt đối không bao giờ yêu cầu người dân cung cấp tài khoản ngân hàng hay yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của cơ quan điều tra. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP hay chuyển tiền cho các đối tượng tự xưng là CSGT, CSHS… Khi nhận được các cuộc gọi mang tính chất như trên, hãy mạnh dạn trả lời nếu bản thân có vi phạm luật giao thông sẽ chờ giấy mời của cơ quan chức năng, bọn lừa đảo thường mang tâm lý lấn lướt với những nạn nhân có thái độ e dè, sợ hãi khi nhận cuộc gọi của chúng nên người dân cần bình tĩnh, tránh bị cuốn vào câu chuyện do bọn lừa đảo bịa ra.
(Hình ảnh trong bài viết là diễn viên tái hiện tình huống, chỉ mang tính minh họa)
Quý vị đừng quên đón xem Chuyện Cảnh Giác được phát sóng vào lúc 16 giờ 40 phút vào Chủ nhật hằng tuần trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1.