Một số người vẫn có thói quen dừng xe lại ở ven đường để sử dụng điện thoại, đây là tình huống mà chúng ta thường xuyên bắt gặp trên đường đúng không ạ. Tuy nhiên, nếu quý vị cũng có thói quen này, thì hãy cảnh giác, vì nếu không may sẽ dễ bị lọt vào tầm ngắm của những kẻ cướp, thì rất có thể sẽ xảy ra những rủi ro ngoài ý muốn, thậm chí là gây nguy hiểm đến sự an toàn của bản thân.
Thấy người đàn ông dừng xe bên đường sử dụng điện thoại, nhóm 4 người chạy trên 2 xe máy áp sát, giật điện thoại, xịt hơi cay vào mặt nạn nhân rồi tẩu thoát.
Người đàn ông khoảng 30 tuổi, dừng xe máy ven đường bấm điện thoại.Lúc này, hai người nam chở nhau trên xe máy đi từ phía sau đến, áp sát giật điện thoại trên tay người đàn ông rồi rồ ga bỏ chạy.
Nạn nhân hô hoán định đuổi theo thì có 2 thanh niên khác chạy xe máy đến dùng bình xịt hơi cay, xịt thẳng về phía nạn nhân. Bị hơi cay xịt vào mặt, người đàn ông không thể truy đuổi, dừng xe, dùng tay ôm mặt.
Người dân nên hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại ở nơi công cộng. Tuy nhiên, trong trường hợp quá cần thiết phải dùng điện thoại, thì có thể áp dụng một số cách thức như sau để hạn chế rủi ro bị cướp giật tài sản.
- Tuyệt đối không dùng điện thoại trong lúc đang điều khiển phương tiện, mà thay vào đó hãy tắp xe vào vỉa hè rồi mới sử dụng điện thoại. Tuy nhiên cần lưu ý, nên chọn những khu vực có vật cản ở trước mặt và cả phía sau. Vật cản có thể là: cây xanh, ô tô, bảng hiệu… bất cứ thứ gì có khả năng gây cản trở hướng chạy xe. Với địa hình này, đối tượng sẽ nhận thấy khó tẩu thoát, nên bỏ qua.
- Bên cạnh đó, người dân cũng cần lưu ý thêm, khi đậu xe trên vỉa hè, phải rút chìa khóa ra khỏi xe và cất vào trong người, để tránh tình huống bị tấn công cướp xe…
- Khi nghe điện thoại, nên nghe bằng tai ở phía trong. Không nên nghe điện thoại ở phía ngoài như thế này, dễ tạo thời cơ cho kẻ cướp giật tài sản.
- Người dân nên chú ý cách cầm điện thoại bằng 3 ngón tay như thế này. Cầm chặt 2 ngón tay ở 2 bên hông, và 1 ngón tay bám chặt vào phần đầu điện thoại, cách cầm này khá chắc chắn, góp phần hạn chế rủi ro bị giật điện thoại.
- Và điều quan trọng nhất là phải luôn có sự cảnh giác trong mọi tình huống, để ý đến phạm vi xung quanh mình và cả những tiếng động, nếu có người tiếp cận gần mình hoặc có tiếng xe chạy đến trong phạm vi gần, thì ngay lập tức phải có phản xạ nhanh cất điện thoại vào trong người.
- Kể cả khi có người tiếp cận hỏi đường hoặc nhờ vả gì đó, thì cũng ngay lập tức cất điện thoại vào trong người. Vì không loại trừ khả năng đó là thủ đoạn của kẻ cướp.
(Hình ảnh trong bài viết là diễn viên tái hiện tình huống, chỉ mang tính minh họa)
Quý vị đừng quên đón xem Chuyện Cảnh Giác được phát sóng vào lúc 16 giờ 40 phút vào Chủ nhật hằng tuần trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1.