Bà Tôn Nữ Xuân Quyên – Chủ tịch Hội đồng quản trị BluSaiGon: Trong bối cảnh này, phải nỗ lực 200%
Là một du học sinh Mỹ về nước nên tôi tự cảm nhận được có những khác biệt về văn hóa. Tôi cũng khởi nghiệp khi đã lập gia đình. Trong 12 năm qua, tôi gặp không ít thất bại do đưa ra những quyết định sai trong quản trị, chọn đối tác, mở rộng thị trường.
Giai đoạn đầu, tôi thấy cơm kẹp có thể bán được ở TP Hà Nội nên quyết định dấn thân vào lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B). Lúc đó, doanh thu trong các tháng đầu đạt 50 triệu đồng/ngày nhưng các tháng sau đều sụt giảm, rồi công ty thua lỗ. Tôi vẫn tiếp tục cầm cự để trả nợ nhưng sau đó đành chấp nhận chuyển nhượng công ty cho người khác.
Trước đây, khi nhắc đến hàng thủ công mỹ nghệ, người tiêu dùng thường nghĩ đến những món giả sơn mài giá rẻ ở các chợ, cửa hàng lưu niệm để bán cho khách du lịch. Sau nhiều năm nghiên cứu, tôi đã quyết định đầu tư làm sản phẩm bút khảm ngọc trai kết hợp công nghệ với thủ công, bởi tôi nhận ra 3 yếu tố thuận lợi: nhu cầu của thị trường (nhiều người cần dùng bút bi), có thế mạnh (gia đình làm nghề khảm ngọc trai, có nguồn cung vỏ trai, có máy móc), bản thân yêu thích. Giai đoạn đầu rất gian truân bởi ở phân khúc cao cấp, người Việt vẫn chuộng hàng ngoại hơn; mình cho rằng sản phẩm đẹp nhưng khách hàng không nghĩ vậy.
Tôi thường cùng gia đình tham gia với đoàn bác sĩ Nhật mổ sứt môi, hở hàm ếch cho trẻ em nghèo Việt Nam. Tôi thấy người Nhật rất thích mua quà lưu niệm của Việt Nam nên đã nghĩ ra việc sẽ kể những câu chuyện lịch sử, văn hóa Việt Nam trên những cây bút. Từ đó, chúng tôi cho ra đời bộ sưu tập 18 đời Vua Hùng, bộ bút kể về cuộc đời Nam Phương hoàng hậu… Nhờ vậy sản phẩm nhanh chóng chinh phục được các thị trường như Mỹ, châu Âu và châu Á.
Trong bối cảnh nhiều người thắt chặt chi tiêu, nếu không sáng tạo thì không thể sống sót được. Chúng tôi đã tập trung nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, đưa sản phẩm mới vào thị trường cũ lẫn thị trường mới, tập trung “marketing du kích” để giảm giá thành mà không giảm chất lượng sản phẩm. Hành trình 12 năm cho tôi bài học là phải thiết kế, duy trì bộ máy quy mô nhỏ thật nhuần nhuyễn và khác biệt trước khi nghĩ tới chuyện mở rộng quy mô. Nhờ vậy, lượng đơn hàng xuất khẩu của chúng tôi chỉ giảm khoảng 30% trong khi các doanh nghiệp cùng ngành đang giảm tới 70%.
Khó khăn sẽ còn kéo dài ít nhất là tới giữa năm 2024. Tôi thấy Chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp, dễ thấy nhất là các gói hỗ trợ. Nhưng trước hết, mình phải tự lo cho doanh nghiệp mình, phải dấn thân nhiều hơn, phải nỗ lực 200% may ra mới đạt được kết quả bằng năm ngoái. Và phải tin vào chính mình.
Bà Lê Thị Giàu – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đông nam dược Nhị Thiên Đường: Còn con người là còn tất cả
Tôi khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng. Trong 32 năm qua, không ít lần, tôi đối diện với thất bại. Những lúc rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, tôi tâm niệm còn con người là còn tất cả.
Những yếu tố để định vị nên con người gồm chữ tín, sự trung thành, lòng trung thực, sự tập trung, sự cố gắng. Thành công không tự nhiên mà đến. Khi cố gắng hết mình, ta sẽ đạt được một thành quả nào đó.
Trong thời điểm kinh tế khó khăn, việc giữ niềm tin vào bản thân lại càng quan trọng. Sự khó khăn đang tác động lên cả nước, không riêng lĩnh vực nào nên việc doanh nghiệp kêu khó với Nhà nước là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp càng phải tự nỗ lực theo tinh thần “liệu cơm gắp mắm”, chọn phương án, hướng đi, quy mô sản xuất phù hợp.
Tạo ra công ăn, việc làm ổn định cho người lao động là áp lực không nhỏ với nhiều chủ doanh nghiệp thời gian qua. Ổn định cũng là cái gốc cho sự phát triển. Lĩnh vực kinh doanh của tôi là hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm) nên vẫn có tín hiệu phát triển tốt. Lượng đơn hàng của công ty đã tăng 300% trong thời gian qua. Mục đích của chúng tôi là làm gia tăng giá trị hạt gạo. Chúng tôi sản xuất phở để xuất khẩu. Chất lượng là tiêu chí hàng đầu đối với sản phẩm, bao gồm cả xuất khẩu và phục vụ trong nước. Ngay ở Việt Nam, người tiêu dùng phải được dùng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế.
Bà Đặng Thị Kim Oanh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh: Luôn tin vào cộng sự và khách hàng
Trước đây, chúng tôi chỉ tập trung phát triển những dự án nhà ở thương mại, nhà phân khúc cao cấp, còn nhà ở xã hội chỉ chiếm khoảng 20% diện tích đất các dự án. Hiện nay, chúng tôi lấy phân khúc nhà ở xã hội làm chiến lược mới, đặt mục tiêu phát triển tổng cộng khoảng 30.000 căn nhà, quyết định chuyển những dự án nhà ở thương mại trước đó sang nhà ở xã hội. Dự kiến trong năm 2023-2024, chúng tôi sẽ xây 20.000 căn ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, dự kiến sẽ tiếp tục xây ở Long An.
Người mua quan tâm tính pháp lý, giá cả, chất lượng trước, mới đến uy tín chủ đầu tư. Dựa vào đó, chúng tôi tập trung giải quyết những khó khăn về thủ tục pháp lý, xây nhà ở xã hội có giá thấp nhưng theo tiêu chuẩn của Singapore, như phải có vị trí địa lý thuận tiện, thuận tiện về chợ búa, y tế, giáo dục, thể thao, có khuôn viên cây xanh… Hiện chúng tôi xây được 600 căn và đã bán hết rất nhanh chóng. Nhờ nhanh nhạy chuyển hướng kịp thời, luôn tin vào chính mình và cộng sự, khách hàng, tin vào các chủ trương của Chính phủ mà chúng tôi duy trì được bộ máy với 1.000 người lao động, không cắt giảm người nào.
Ở lĩnh vực này, chủ đầu tư vẫn gặp khó khăn do tiến độ giải quyết thủ tục pháp lý cho các dự án còn chậm, người mua nhà khó vay được tiền từ ngân hàng do không hội đủ điều kiện. Nhưng chúng tôi tin tưởng, khi Chính phủ kêu gọi xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, ban hành gói vay 120.000 tỉ đồng thì Chính phủ sẽ thay đổi chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Chúng tôi không ngồi chờ Luật Đất đai sửa đổi được thông qua (dự kiến Quốc hội sẽ thông qua trong kỳ họp vào tháng 10/2023) mới thực hiện mà đi trước một bước, khi chính sách được ban hành thì các dự án đã kịp tiến độ thủ tục pháp lý để xây những ngôi nhà đẹp cho người có thu nhập thấp.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên – Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG): Đặt nhiều mục tiêu nhưng vẫn duy trì tâm trạng thoải mái
25 tuổi, tôi đã là giám đốc điều hành dự án siêu thị Miền Đông. Được nhiều người kính nể nhưng tôi từng trốn vào nhà vệ sinh khóc nức nở hoặc tìm đến nơi nào đó, hét lên để giải tỏa áp lực, lấy lại sự cân bằng.
Giờ đây, IPPG là một trong những đơn vị bán lẻ hàng đầu ở Việt Nam, chiếm 70% thị phần hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước với hơn 1.200 cửa hàng bán lẻ, tạo việc làm cho hơn 25.000 người lao động. Mỗi năm, tập đoàn đóng góp gần 2.000 tỉ đồng tiền thuế cho ngân sách.
Khi đã dấn thân làm kinh doanh thì phải chấp nhận có khó khăn phía trước. Tôi luôn đặt ra cho mình nhiều mục tiêu, thử thách. Mỗi lần đạt được, tôi sẽ tự thưởng cho mình một thứ gì đó, chẳng hạn một món quà nhỏ hay ngồi điểm lại những thành quả đạt được để củng cố niềm tin, tái tạo năng lượng.
Tôi luôn cố gắng duy trì những thói quen tốt, duy trì tâm trạng thoải mái trong cuộc sống, nhìn sự việc dưới góc nhìn tích cực và hài hước. Điều này giúp tôi cảm thấy nhẹ nhàng trước những vấn đề hóc búa.
Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/ngay-doanh-nhan-viet-nam-tam-tinh-cua-cac-nu-doanh-nhan-a1503211.html