H’Ăng kể từ ngày nhỏ cô đã tự thấy mình khác với những bạn bè cùng trang lứa. Trong những chiều đi chăn bò hay lên nương, ngắm bầu trời Tây Nguyên cô vẫn hay nghĩ về bầu trời ở những vùng đất khác, có cao, mây có trắng như ở nhà mình?
Nên thay vì nghỉ học, lấy chồng, chăm con như nhịp sống muôn đời của những người phụ nữ Ê Đê, H’Ăng sớm có suy nghĩ rời khỏi buôn làng. Ngày lên Buôn Ma Thuột nhập học tại trường THPT Dân tộc nội trú cũng là ngày đầu tiên H’Ăng đi xa như vậy khỏi nơi mình sinh ra, bắt đầu thực hiện giấc mơ chinh phục những chân trời mới lạ.
Ở trường, thấy cô có một khuôn mặt tươi sáng, chân dài, dáng đẹp, nhiều bạn bè gợi ý “Sao mày không đi thi hoa hậu đi”, “Mày làm hoa hậu được đấy”… Vậy là H’Ăng dần hình thành suy nghĩ được trở thành hoa hậu, để rồi nhiều năm sau đó cô vẫn miệt mài chinh phục chiếc vương miện danh giá.
Từ Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, rồi Hoa hậu Việt Nam 2014 và 2016, Hoa hậu Đại dương… H’Ăng góp mặt nhiều năm liền ở các cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ. Có những cuộc thi, cô được khán giả ủng hộ, được truyền thông đánh giá cao nhưng kết quả lại không như ý. Nhiều người cũng bắt đầu khó chịu “Cô này làm gì mà đi thi hoài”. Chỉ có H’Ăng mới biết “Tôi được thể hiện mình, được học hỏi, được tôi luyện, mỗi năm lại mạnh mẽ hơn một chút, trưởng thành hơn một chút”. Vậy thì có sao khi dành cả thanh xuân để đi hoa hậu?
Gần đây nhất, H’Ăng đạt được vị trí Á quân của Người mẫu thời trang Việt Nam 2018. Cô đã có một tấm vé chính thức để có thể góp mặt ở những cuộc thi lớn khác. Cách đây vài ngày thôi, cô trở thành đại diện của Việt Nam tại cuộc thi Miss Bikini Universe 2018. Biết đâu, cô nàng “vô duyên” với những giải thưởng trong nước lại “có duyên” ở những đấu trường quốc tế?
Đi thi hoa hậu, trở thành người mẫu, có một công việc mình yêu thích tại Sài Gòn, nhờ đó H’Ăng có cơ hội được đi khắp Việt Nam. Cô cũng đã có dịp đặt chân đến Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… cùng nhiều nơi khác trên thế giới. Vậy là cô gái buôn làng giờ cũng đã phần nào thực hiện được giấc mơ tuổi thơ của mình. Được ngắm nhìn bầu trời ở những vùng đất mới lạ.
Nhưng có một điều lạ là, dù đi xa đến đâu cô vẫn luôn nhớ về bầu trời Tây Nguyên. Nhất là những ngày tháng 3, thời gian mà có câu hát “mùa con đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước, mùa em đi phát rẫy làm nương…”. Những ngày đó, trời Tây Nguyên xanh ngắt, gió Tây Nguyên lồng lộng, mùi hoa cà phê quyện với mùi đất đỏ tạo nên một hương rất riêng không nơi nào có được. “Tôi là người của buôn làng, mãi mãi là người của buôn làng” – H’Ăng tâm sự.
Nỗi nhớ đó, tình yêu dành cho nơi mình sinh ra luôn thôi thúc cô trở về. Nên sau những ngày bận rộn với lịch diễn, H’Ăng lại khăn khói trở về Tây Nguyên, nhưng với một tâm thế mới. Trở về để giúp đỡ, để xây dựng quê hương.
Hoạt động từ thiện của H’Ăng tại quê nhà có khi diễn ra vào dịp tết, dịp lễ, dịp tựu trường… Có khi cô vận động các nhà hảo tâm để giúp đỡ bà con mỗi mùa bão lũ kéo đến làm hại buôn làng. Cô không rình rang trên truyền thông mà tận dụng bạn bè cùng các mối quan hệ mình để có được những nguồn lực tốt nhất. “Quê H’Ăng còn nghèo lắm” – cô gái cho biết.
Ở tuổi 26, H’Ăng còn cả một quãng thời gian dài phía trước để chinh phục những thách thức mới. Cô vẫn tiếp tục nuôi ước mơ được đến với nhiều vùng đất xa xôi hơn nữa. Nhưng cô không còn đi một mình, mà mang theo cả tinh hoa của dân tộc Tây Nguyên.
Cuối tháng 3 vừa qua, dự án “Hoa của đất” mà cô và nhà thiết kế Việt Hùng chung tay thực hiện chính thức ra mắt. Với dự án này, chương trình thời trang đường phố diễn ra tại Bùi Viện (TP.HCM) vào một số tối cuối tuần sẽ trình diễn những bộ sưu tập áo dài thổ cẩm. Hàng tháng, thổ cẩm sẽ xuất hiện trên sóng VTV, HTV, THVL. Sách ảnh “Hoa đại ngàn” chụp người con gái Tây Nguyên trong trang phục thổ cẩm khoe vẻ đẹp nguyên sơ giữa núi rừng hùng vĩ cũng đang được thực hiện.
H’Ăng Niê cho biết ngày nhỏ, trang phục chính của cô vẫn là váy thổ cẩm. Nhiều món đồ của cô được làm từ thổ cẩm mà tự tay cô dệt. Thổ cẩm là tinh hoa của các dân tộc Tây Nguyên nhưng cô lo sợ nó đang dần mất chỗ đứng ngay trong chính cộng đồng của mình. “May ra nó chỉ còn trong các dịp lễ hội mà cũng rất ít được tổ chức ở chính buôn làng, hoặc còn chăng nữa là ở tấm vải cõng con. Nếu không gìn giữ, một ngày nào đó bóng dáng của những tấm vải mang hoa văn hình mặt trời, cánh chim cũng sẽ lùi dần vào cổ tích” – H’Ăng nặng chĩu chia sẻ.
Dự án này sẽ tạo công ăn việc làm cho các chị, các mẹ, cũng là cách để các bạn trẻ quay lại với dệt truyền thống. Điều đáng trân trọng hơn nữa, những trang phục thổ cẩm không chỉ để biểu diễn, triển lãm mà còn bán trên các kênh trực tuyến. Toàn bộ số tiền thu được sẽ dành cho quỹ từ thiện, giúp đỡ các trẻ em Tây Nguyên có điều kiện sống tốt hơn, có cơ hội được đến trường.
Không chỉ hi vọng thổ cẩm được hồi sinh mạnh mẽ tại quê hương, H’Ăng còn ấp ủ nhiều dự định đưa thổ cẩm ra thế giới. Mà trước mắt, cuộc thi nhan sắc quốc tế mà cô tham gia, thổ cẩm cũng sẽ đồng hành như một trang phục chính thức. Giờ đây, việc đi thi quốc tế với H’Ăng không chỉ là chinh phục bản thân, mà còn mang tấm lòng nặng nợ với quê hương cùng mong ước về một ngày được khoe tinh hoa của dân tộc Tây Nguyên với bạn bè quốc tế.
Bài: Thơ
Ảnh: Khang Hồ
Thiết kế: Sỹ Nhã – Hà Đỗ