Buổi hòa nhạc có một không hai
Cho đến nay, NSND Thái Bảo mới có một chương trình riêng độc nhất do Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam tổ chức tặng. Năm 2001, trong một lần đi hát, chị được mời ra nói chuyện với ông. Đại sứ bộc bạch: “Tôi ở đây 5 năm rồi, sang năm tôi hết nhiệm kỳ. Việt Nam tôi thích nhất ba giọng ca, opera tôi thích Lê Dung, nhạc nhẹ – Thanh Lam, mà nhạc đồng quê trữ tình lãng mạn tôi thích chị. Tôi từng làm cho Lê Dung một CD và mời sang Thụy Sĩ làm show. Thanh Lam tôi chưa gặp. Còn chị tôi cũng mong muốn chị đến trao đổi với tôi một chút…”.
“Một ngày đẹp trời tôi đến”, Thái Bảo nhớ lại. “Ông mời tôi sang Thụy Sĩ làm liveshow, muốn tôi đánh đàn bầu. Trong các bài tôi hát, ông thích nhất Ru con Nam bộ, mà bài đó tôi hát kiểu của tôi chứ không đặc sệt Nam bộ”. Tất nhiên chị nhận lời mời quá trọng thị, nhưng rút cuộc không đi được vì trùng với lịch đi Nhật cùng đoàn cán bộ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam nơi chị đang công tác. Thái Bảo xin phép giám đốc Nhà hát lúc đấy là NSND Thúy Quỳnh nhưng không được chấp nhận. Thời đó không có sự đồng ý của cơ quan, đương nhiên không thể làm hộ chiếu xuất ngoại.
Cảm thấy chưa làm gì được cho giọng hát mà mình yêu thích, lại sắp hết nhiệm kỳ, đại sứ bèn tổ chức một đêm nhạc Thái Bảo cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, tại khách sạn Metropole. Nguyễn Thiếu Hoa chỉ huy hai bài, còn đâu nhạc trưởng người Thụy Sĩ đảm nhiệm. Nhạc sĩ Hoàng Lương phối toàn bộ. Không thể thiếu Ru con mùa đông, Qua cầu gió bay– Thái Bảo vừa hát vừa chơi đàn bầu. Toàn bộ khoảng 200 khán giả là khách mời của nghệ sĩ và mạnh thường quân. Nhiều người không có chỗ ngồi phải đứng.
Năm 2010, nhạc sĩ Quang Vinh- Giám đốc mới của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam giục Thái Bảo làm liveshow, nhà hát sẵn sàng ủng hộ. Anh chị em đồng nghiệp cũng xúm vào: “Chị chỉ việc hát, mọi thứ chúng em lo hết…”. “Lúc đấy tôi đang ở đỉnh cao, chỉ cần hô một tiếng rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp tài trợ”, Thái Bảo kể. “Tôi tính cần một năm để chuẩn bị, tính tôi vốn cẩn thận…”. Rồi đúng là người tính không bằng trời tính. Một năm sau đó, Thái Bảo đi diễn nước ngoài liên tục, chẳng có thời gian lo cho liveshow. Cuối 2011, NSƯT Anh Tuấn chồng chị bỗng được chẩn đoán bị bệnh tim, lại uống nhầm thuốc suýt chết. Từ đó đến 2016, chị cùng anh chống chọi với trọng bệnh. Chị kể: “Bệnh của anh không mổ sẽ tai biến, nhưng nếu mổ không thể nói 50/50 được, sự sống rất mong manh. Trong khi chưa mổ, thi thoảng nhịp tim nhanh, đêm hôm lại đi cấp cứu, chiều 30 Tết cũng đi viện. Cuộc sống cứ áp lực như thế, tôi không nghĩ tới làm gì nữa”. Tháng 1/2016, Thái Bảo được phong tặng NSND. Tháng 4, chồng chị lên bàn mổ, thay hai van tim. Ca mổ thành công, gánh nặng đã qua, giờ là lúc chị trở về với âm nhạc.
Thời mang nồi lưu diễn
11 tuổi, Thái Bảo trúng tuyển ngành đàn bầu trong một lần Nhạc viện Hà Nội về Nghệ An tuyển sinh. Học hết 9 năm, bước vào năm đầu ĐH, chị được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương phát hiện, đưa về Đoàn Ca múa T.Ư. Nhạc sĩ lúc đó vừa là Hiệu trưởng Nhạc viện Hà Nội kiêm Giám đốc Đoàn Ca múa T.Ư. Thái Bảo không học trường lớp về thanh nhạc mà chỉ “học tư” với Kiều Hưng và Lê Dung. NSND Lê Dung dạy Thái Bảo được gần một năm thì cho “tốt nghiệp”. Thái Bảo kể, NSND Lê Dung nhận xét: “Giọng em rất đặc biệt, chị mà dạy nữa dễ em bị biến thành chị lắm. Mà để giống chị cũng khó, quãng giọng của tôi không được bằng chị Lê Dung, nó lại nửa vời, hạn chế.
“Trường học của tôi là đường đời, từ ngày đấy đến giờ mỗi lần biểu diễn là một bài học. Hôm nay biên giới này, mai chốt kia”. Mà bộ đội sẵn sàng nghe nhạc đến sáng, nên mỗi ca sĩ hát liền 7-8 bài không micro là chuyện bình thường. Mỗi kỳ lưu diễn thời bấy giờ kéo dài hàng tháng từ Hà Nội tới tận Vũng Tàu. Các nghệ sĩ phải mang theo mọi thứ đồ dùng hằng ngày để du diễn. Họ chia nhau ra theo mâm. Mỗi mâm 4 người tự chia nhau mang đồ. Thái Bảo phụ trách 2 nồi nhôm để nấu cơm đủ 4-6 người ăn. Người khác mang chiếu, bát đũa, bếp dầu… Chỗ nào dân có vẻ thích thì ở lại diễn 2 tối. Bán vé chỉ để có tiền mua xăng chạy xe. Đêm ngủ lán bộ đội, nhà dân, hoặc hội trường- ghép bàn vào nằm. Có 2 lần ngủ cạnh sân khấu. Mấy chị em lấy tấm bọc loa biểu diễn lót nằm trong một góc sân khấu”, chị nhớ lại.
Kiểu lưu diễn như vậy kéo dài từ giữa những năm 1980 tới khoảng 1995. Từ khoảng 1989, các nghệ sĩ bắt đầu biết tới lưu diễn nước ngoài. “Dạo đó đi diễn nước ngoài cho nhà hát, mỗi người mua được nửa cái xe máy là giàu lắm rồi. Cúp su hào, 82 đấy,” chị nói. Thái Bảo tự hào khi trước giờ kiếm sống hoàn toàn mồ hôi nước mắt . Album thứ 8 do chính chị đầu tư với nhiều tâm huyết. “Biết đâu đây là cuộc chơi âm nhạc cuối cùng. Cho nên cứ thoải mái hết mình với bạn bè, với khán giả”, chị tâm sự.
Hiện Thái Bảo vẫn là cây đinh của nhà hát, vẫn phải đảm bảo những đơn đặt hàng các bài hát gắn với chị. “Khi đã vào đoàn, mình không được thả sức, không được phá cách, phải hát theo kịch bản, theo người mời”, chị bộc bạch. Bởi thế chị chọn con đường cẩn trọng, làm việc nghiêm túc để có thành quả nhất định.
“Tất cả đau khổ, mất mát, vui buồn ẩn náu trong những ca khúc này,” chị chỉ vào chiếc đĩa nóng hổi vừa ra kệ với cái tên do chị và ông xã đặt: Giấc mơ vô thường – với ý nghĩa: Mọi thăng trầm trong tình yêu, trong đời sống một ngày nào đó ta nhìn lại chỉ là giấc mơ, đôi khi sống lại qua việc nghe một bài hát… Rút cuộc thì Thái Bảo cũng đã dám đột phá trong một dòng nhạc khác với những gì chị đã hát, nhưng lại đúng với những gì chị nghĩ và cảm vào lúc này – một tâm thế mà chị gọi là “viên mãn”.
Theo TPO