Võ Hà Linh xuất phát điểm hoạt động trên mạng xã hội trong vai trò là một Youtuber, Beauty blogger chuyên review các sản phẩm về làm đẹp. Với phong cách mạnh mẽ, chân thật, thẳng thắn, sau 3 năm cô nàng quê Nghệ An đã có chỗ đứng khá vững vàng trong làng review Việt. Dù trải qua nhiều drama ồn ào với một số Reviewer khác nhưng Võ Hà Linh vẫn mạnh mẽ khẳng định cái tâm làm nghề của một “chiến thần review”.
Khoảng một năm trở lại đây, Võ Hà Linh dần “lấn sân” sang review các món ăn với góc nhìn trải nghiệm. Một số thương hiệu nổi tiếng được “chiến thần “ ghé thăm như chè Chang Hi, bánh bao Thúy Đỗ, bún đậu Trang Khàn, cơm quê Mười Khó của nghệ sĩ Trường Giang, A Mà Kitchen của Trấn Thành, v.v. Trong các video review ẩm thực, Võ Hà Linh để lại nhiều bình luận, cảm nhận về chất lượng món ăn gây xôn xao dư luận. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các thương hiệu vì sức hút của nữ Reviewer khá mạnh mẽ.
Ngày 13/4, Võ Hà Linh đăng tải video xin lỗi tất cả các quán ăn mà cô nàng đã review với tiêu đề “Xin lỗi mọi người và thông báo dừng hẳn việc review quán ăn!”. Hành động này của Võ Hà Linh nhận được sự động viên từ các khán giả theo dõi cô từ trước đến nay.
Đây là việc làm có thể là dấu chấm hết cho hoạt động review quán ăn của Võ Hà Linh nhưng chỉ là dấu chấm lửng cho câu chuyện Tiktok-ers review món ăn đang “mọc lên như nấm sau mưa”. Liệu họ sẽ chọn “Thật” hay “Thách”?
Tik Tok là mảnh đất màu mỡ cho các nhà sáng tạo nội dung, trong đó nội dung về giới thiệu các quán/món ăn được đông đảo giới trẻ yêu thích trong những năm trở lại đây. Tuy vậy, đây cũng chính là cơ hội kinh doanh khi hợp tác với các Food reviewer có sức ảnh hưởng của các thương hiệu ẩm thực. Khi hợp tác, Food reviewer sẽ thực hiện video chia sẻ cảm nhận của mình về món ăn, quán ăn đó. Và tất nhiên, điều họ nói có phải 100% sự thật hay không, đó là một dấu chấm hỏi.
Quay lại câu chuyện “ngàn năm văn hiến” khi nói rằng trải nghiệm ẩm thực là cảm nhận khác nhau của mỗi người. Tuy vậy, chất lượng món ăn vẫn cần có một “mẫu số chung” để có thể duy trì công việc kinh doanh quán ăn. Có thể ngon nhiều, có thể ngon ít tuy nhiên nếu ở mức độ tệ khi thực khách trải nghiệm thì cần phải nhìn nhận lại sự công tâm trong đánh giá của các Tiktok-ers. Ngoài chất lượng món ăn thì dịch vụ cũng là một yếu tố khiến thực khách quyết định có quay lại quán ăn đó hay không. Đặt lại vấn đề, nếu khi đứng trên góc độ công tâm, thẳng thắn thì lại có nhiều “sự thật mất lòng” như câu chuyện Võ Hà Linh.
Food reviewer tuy là cơ hội nhưng cũng rất nhiều thử thách. Chỉ mong rằng các bạn trẻ khi bước vào con đường review dù ở bất kỳ phương diện nào cũng nên giữ cái tâm khi làm nghề để không nuối tiếc về sau.