Thứ Sáu tuần trước (15/2), Zara tung hình ảnh quảng cáo cho dòng son môi mới. Li Jingwen, một người mẫu có tiếng của Trung Quốc, được thương hiệu đình đám này mời xuất hiện trông bộ hình quảng bá.
Khi những hình ảnh xuất hiện trên trang mạng xã hội Weibo, thay vì thu hút lượng lớn khách hàng, Zara lại vấp phải làn sóng chỉ trích từ người dùng mạng tại đất nước đông dân nhất thế giới.
Mọi chuyện bắt đầu từ việc, hãng sử dụng hình ảnh Li Jingwen với gương mặt đầy tàn nhang, kèm dòng tiêu đề: “Vẻ đẹp là đây”. Điều này vô tình “động chạm” đến người Trung Quốc. Ho cho rằng, thương hiệu đến từ Tây Ban Nha đang “bôi xấu” người Trung Quốc.
“Điều này ám chỉ phụ nữ châu Á chúng tôi đều có đôi mắt lờ đờ và gương mặt đầy tàn nhang?”, một người dùng Weibo viết.
“Xin lỗi nhưng phụ nữ châu Á chúng tôi không có tàn nhang hoặc chỉ một số ít có. Các người cố gắng tìm một người mẫu mặt tàn nhang không khác gì mò kim đáy bể…”, người khác lên án.
“Bán sản phẩm tại Trung Quốc thì nên tôn trọng thị hiếu thẩm mỹ của người Trung Quốc. Tôi không hiểu tại sao Zara lại chọn một gương mặt nhiều tàn nhang như vậy?”, thêm một bình luận chỉ trích.
“Người Tây Ban Nha có nhiều tiêu chuẩn sắc đẹp khác nhau và họ không có ý định làm cho người mẫu này trông xấu xí. Họ người không chỉnh sửa ảnh của các người mẫu. Đó nhan sắc thật của họ”, người phát ngôn nhấn mạnh.
Trong khi người dùng Internet tỏ ra giận dữ, chỉ trích thương hiệu Tây Ban Nha, không ít cư dân mạng khác kêu gọi mọi người đừng quá nhạy cảm.
Một bài xã luận trên China Youth Daily chỉ ra, cáo buộc Zara “bôi xấu Trung Quốc” bằng chiến dịch quảng cáo trên là không có căn cứ. “Vô số cường quốc thời trang trên thế giới không bao giờ từ chối người mẫu có tàn nhang. Theo tiêu chuẩn sắc đẹp phương Tây, người ta thậm chí thích gương mặt có vài nốt tàn nhang. Vậy nên, công ty đứng sau quảng cáo này không cho rằng người mẫu đó xấu xí. Ngược lại, những người chỉ trích ngoại hình người mẫu mới đang thực sự bôi nhọ Trung Quốc”, bài báo viết.
Nhiều người dùng Weibo sau đó cũng lên tiếng ủng hộ thương hiệu thời trang bình dân nổi tiếng thế giới.
“Những người cho rằng Zara xúc phạm Trung Quốc đang phản ứng thái quá. Họ có lẽ đang hoang tưởng về việc bị bức hại sau sự cố Dolce & Gabbana. Họ nên tự tin hơn về đất nước mình”, một ý kiến bênh vực Zara.
“Tôi nghĩ rằng, bức hình của Li Jingwen đẹp hơn nhiều so với những gương mặt nhợt nhạt, bóng bẩy và hoàn hảo đã qua xử lý bằng phần mềm photoshop”, một người khác cho hay.
Trước Zara, Dolce & Gabbana cũng từng trở thành đề tài công kích trên mạng xã hội Trung Quốc và thậm chí là tẩy chay. Bắt đầu từ đoạn quảng cáo về một người mẫu Trung Quốc ăn pizza, mỳ ý bằng đũa, nhà mốt Italy bị chỉ trích bôi nhọ truyền thống lâu đời của quê hương Vạn Lý Trường Thành, thể hiện thái độ phân biệt chủng tốc. Mới đây, hãng này tiếp tục “ăn hành” khi ra mắt bộ sưu tập áo hình heo nhân dịp Tết Kỷ Hợi.