Cá linh là đặc sản của vùng miền Tây Nam bộ, loại cá này bắt đầu có từ tháng 8 hằng năm. Ngoài nấu canh chua bông điên điển, kho mắm, chiên giòn cuốn bánh tráng, cá linh còn được làm mắm để ăn dần, trong đó mắm sống là món ăn độc đáo nhất của người dân miền Tây. Muốn làm món này, cần chọn mắm con nhỏ, loại không có tẩm màu.
Các gia vị đi kèm gồm sả cây, tỏi, ớt, chanh, gừng. Gia vị gồm đường, bột ngọt. Sả mang đi rửa sạch xắt khoanh, tỏi cắt lát, ớt và gừng bằm nhuyễn.
Mắm cá linh sống được cắt thành miếng nhỏ trước khi trộn với sả, ớt, tỏi và gừng. Để tránh bị xương, đầu bếp thường cắt bỏ phần vây và đuôi con mắm.
Khâu tiếp theo là trộn mắm, để tròn vị và tránh mùi tanh của mắm, người miền Tây thường vắt vào khá nhiều chanh, tuy nhiên vẫn cân vị để tránh việc mắm bị quá chua. Cùng với chanh là một ít đường cát và bột ngọt. Trộn đều mắm với các loại gia vị và nguyên liệu.
Món mắm cá linh sống trộn sả ớt thành phẩm dậy mùi thơm của thính có trong mắm, mùi đặc trưng của mắm, hòa cùng mùi sả, gừng và tỏi. Nói như nhiều người thích mắm, “chỉ cần ngửi thôi là nước miếng tuôn”.
Mắm cá linh trộn có thể để ăn dần trong 2 đến 3 ngày. Món ăn dân dã phù hợp khi ăn với cơm trắng để nguội (cơm nguội), càng ngon hơn khi ăn kèm với chuối xanh, húng quế, dưa leo. Một số người không ăn mắm trộn với cơm mà dùng với khoai mì (sắn) hấp. Nói như dân sành ăn, trong những ngày mưa, chỉ cần bốc miếng khoai mì bốc khói, kẹp vào một miếng mắm, kèm ít khoanh sả, tí ớt hiểm rồi cho vào miệng nhai thì không còn gì sướng bằng.
Theo Phụ nữ ngày nay