TV Show
Diễn viên Trần Anh Huy và Giang Thái lần đầu đánh trống trận Tây Sơn
Về đến quê hương của vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, MC Giang Thái và Trần Anh Huy không thể nào bỏ qua cơ hội thưởng thức và trải nghiệm biểu diễn nhạc võ Tây Sơn Bình Định. Nhạc võ không chỉ góp phần vào thành công của cuộc hành quân thần tốc trong lịch sử mà ngày nay nhạc võ còn là biểu tượng của văn hóa Bình Định.

Nhạc võ Tây Sơn được hình thành và phát triển từ Phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn vào nửa cuối thế kỷ 18. Đây là phương pháp dùng âm thanh vào việc nâng cao khí thế toàn quân, tăng cường ý chí chiến đấu của binh lính Tây Sơn khi xung trận. Chính vì vậy, nhạc võ đã gắn liền với những chiến công hiển hách trong sự nghiệp dẹp thù trong, đánh giặc ngoài thống nhất đất nước và giải phóng dân tộc dưới tài chỉ huy của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. 

Dàn nhạc võ ngoài tiếng trống chủ đạo thì có các âm thanh của các nhạc khí khác phụ trợ thêm như đàn nhị, kèn, não bạt, tạo thành những âm điệu đặc thù cho từng bài nhạc võ. Khi hành quân thì thanh âm giục giã; khi tấn công thành lũy thì khẩn trương, gấp gáp. Khi chiến thắng thì tiếng nhạc như phấn chấn, náo nức,… Những nghệ nhân đánh trống phải làm sao thật nhanh nhẹn, uyển chuyển, khi cầm dùi đánh trống phải như múa, với nhiều kỹ thuật phức tạp như vỗ, bịt, ve mới tạo nên những giai điệu thật cuốn hút.

Nét đặc sắc của nhạc võ Tây Sơn chính là sự kết hợp giữa nhạc và nhiều võ thuật như binh khí, quyền,… tạo nên những màn biểu diễn mạnh mẽ, mang đậm hào khí Tây Sơn. Nếu như ngày xưa nhạc võ để đốc thúc quân, tạo nên sức mạnh cho quân tiến công thì ngày nay nhạc võ Tây Sơn làm nên tinh thần võ học, trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa có giá trị lịch sử của Bình Định.  

Những vùng đất xinh đẹp và diệu kì, những câu chuyện văn hóa đỉnh cao, những món ăn độc đáo đầy dư vị – Một Việt Nam tươi đẹp và quyến rũ sẽ hiện dần qua những thước phim ấn tượng. Hãy đón xem Việt Nam mến yêu được phát sóng lúc 19h50 Thứ Bảy hàng tuần trên kênh THVL1.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục