Múa bóng rỗi là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo ra đời ở Nam Bộ cách đây gần 300 năm. Là nghi thức múa hát trong các dịp lễ hội tại các đình, miễu… loại hình này gắn với tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Múa bóng rỗi không chỉ là hoạt động mang giá trị văn hóa nghệ thuật, mà còn là công cụ truyền tải ước mong cuộc sống bình an, mưa thuận gió hòa của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của con người với thần linh.
Múa bóng rỗi là loại hình nghệ thuật múa hát nghi lễ. Các nghệ nhân trình diễn những bài hát rỗi, kết hợp với những điệu múa biểu hiện sự kính dâng lễ vật lên thần linh. Loại hình độc đáo này thường gắn với các dịp cúng bà như vía bà Chúa Xứ, bà Hỏa, Ngũ Hành nương nương… Ở một số ngôi đình Nam bộ, nhất là những ngôi đình có miễu bà Chúa Xứ thì múa bóng rỗi diễn ra hàng năm vào khoảng tháng 1 đến tháng 4 âm lịch, thu hút đông đảo người dân từ các nơi đến tham dự.
Không dừng lại ở đó, nó còn thể hiện truyền thống tri ân của con người đối với thần linh, tổ tiên và những người đã khuất. Vì thế trang phục của các nghệ nhân cũng rất cầu kỳ, đầy đủ áo, mũ, váy. Việc trang điểm cũng phải tỉ mỉ, chi tiết, đậm phấn son. Để có được màn biểu diễn đặc sắc, được nhiều người tán thưởng, người nghệ nhân phải chăm chỉ luyện tập những động tác múa đòi hỏi sự điêu luyện, khéo léo và dẻo dai.
Bên cạnh đó người nghệ nhân còn phải có năng khiếu đặc biệt tổng hợp về ca, diễn và múa, phải có sức khỏe, sự nhạy bén trong cảm âm và có chất giọng tốt. Nghi thức và tiết mục múa bóng rỗi mỗi nơi một khác nhưng tựu trung vẫn là dâng mâm, dâng bông, múa lông công, múa khạp da bò, múa bông huệ, rót rượu bằng đầu… Vì thế mà những tiết mục múa bóng rỗi luôn thu hút đông đảo người xem.