Dừa là loài cây mọc nhiều ở ven kênh rạch, sông hồ miền Tây, người ta có thể tận dụng hầu như bất kỳ bộ phận nào của cây dừa. Người lớn có thể dùng dừa làm nhiều công việc khác nhau, nhưng với trẻ con thì làm đồ chơi bao giờ cũng là yếu tố ưu tiên hàng đầu. Những con cào cào lá dừa được trẻ con nâng niu, cầm đong đưa đi khắp xóm làng. Những món đồ chơi dân dã này không chỉ trở thành ký ức của những đứa trẻ từng lớn lên ở vùng sông nước mà còn là một phần bản sắc văn hóa miền Tây.
Dụng cụ và nguyên liệu để tạo hình đồ vật hay con vật chỉ với vài cọng lá dừa nước, kéo, con dao rọc giấy, kim bấm,.. Những chiếc lá dừa nước dùng để gấp đồ chơi phải có độ già vừa đủ mới đảm bảo được độ dẻo và màu vàng tươi. Nếu chọn lá non quá sẽ rất khó tạo hình vì quá mềm, ngược lại nếu lá già quá sẽ rất cứng và dễ gãy. Dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân, những chiếc lá dừa rất đỗi quen thuộc trong đời sống hàng ngày bỗng biến thành các con vật, đồ vật đáng yêu như: các loại bánh, hoa hồng, lồng đèn, con cào cào, con chuồn chuồn, con chim,… phức tạp hơn thì có bình hoa, cổng cưới lá dừa.
Đồ chơi được làm từ lá dừa là một sản phẩm thiên nhiên, không mang tính độc hại nên ngoài ý nghĩa là món “đặc sản” của trẻ con thì còn là loại đồ chơi có tính thân thiện với môi trường cao. Ngày nay, trẻ em thành thị được tiếp cận với nhiều trò chơi hấp dẫn nhưng những thú vui bình dị, mộc mạc vẫn có sức hấp dẫn rất riêng, là “món ăn” tinh thần đáng trân trọng, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, vun bồi tình yêu quê hương ngay từ thuở nhỏ.