sáng 20.5, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), cho biết trong số 37 hồ sơ dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi EVN, có 15 nhà máy điện gió, điện mặt trời với tổng công suất khoảng 1.200 MW đã được Bộ Công thương thống nhất mức giá tạm thời.
Trong đó, có 3 nhà máy điện mặt trời, 7 nhà máy điện gió trên đất liền và 5 nhà máy điện gió trên biển.
Bộ Công thương yêu cầu EVN và các chủ đầu tư khẩn trương ký kết hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện chuyển tiếp theo phương án giá điện tạm thời, hoàn thành các thủ tục pháp lý, yêu cầu kỹ thuật để đưa các nhà máy hòa lưới điện quốc gia trong bối cảnh nguồn cung điện đang gặp khó khăn.
Theo quy định tại luật Điện lực, các dự án điện trước khi được đưa vào khai thác phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, nhưng đến nay chỉ có 16/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp (18,8%) đã được cấp giấy phép này. Ngoài ra, 12 nhà máy khác đã được chủ đầu tư nộp hồ sơ và đang hoàn thiện hồ sơ, đang được Bộ Công thương thẩm định.
Theo EVN, trong số 37 hồ sơ đàm phán đã nộp, còn 11 hồ sơ phải bổ sung và hoàn thiện. Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3 nhưng vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, Bộ Công thương khẳng định, trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đối với các nhà máy điện năng lượng tái tạo đã được hướng dẫn tại Thông tư 21/2020/TT-BCT ngày 9.9.2020.
Còn theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, chỉ đạo tại cuộc họp về đảm bảo cung ứng điện mùa khô trong ngày 17.5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu EVN khẩn trương hoàn tất đàm phán với chủ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng để có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia.