Trong những năm qua, cặp sách, ba lô của học sinh tiểu học ngày càng to và nặng. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe, dẫn đến các bệnh về cong vẹo cột sống, đau mỏi cổ vai gáy…
Trọng lượng ba lô không nên quá 20% trọng lượng cơ thể học sinh
Theo khuyến nghị của Viện Hàn lâm phẫu thuật chỉnh hình Mỹ, trọng lượng của ba lô học sinh (bao gồm trọng lượng riêng của ba lô cùng các đồ vật bên trong nó như sách, vở…) không nên vượt quá 20% trọng lượng cơ thể trẻ. Mức tối ưu là dưới 10%.
Một đứa trẻ 6 tuổi cân nặng trung bình 18-20 kg chỉ nên đeo trên lưng tối đa 3,6-4kg, tốt nhất là không quá 1,8 kg. Vì thế, phụ huynh được khuyến cáo nên có thói quen kiểm tra cân nặng cặp sách, ba lô của con (trọng lượng bao gồm cả sách vở, dụng cụ học tập, đồ dùng cá nhân mang theo tới trường).
Điều đầu tiên, cha mẹ cần tìm mua đúng loại ba lô tốt nhất cho trẻ trong khả năng của mình. Phụ huynh nên chọn cặp sách, ba lô có chất liệu nhẹ, chống thấm nước phù hợp với điều kiện nóng ẩm mưa nhiều ở nước ta. Ba lô chống thấm nước còn giúp bảo vệ sách vở, đồ dùng học tập tốt hơn.
Bên cạnh đó, kích thước phù hợp cũng hết sức quan trọng. Cha mẹ không nên mua cặp sách, ba lô có kích thước quá lớn vì trọng lượng sẽ nặng hơn. Ngoài ra, những loại cặp sách, ba lô có nhiều ngăn sẽ giúp việc sắp xếp đồ dùng được gọn gàng, ngăn nắp hơn.
Tránh bỏ hết cả bộ sách giáo khoa trong ba lô
Phụ huynh nên khuyên con nhỏ tránh bỏ thêm đồ chơi hay các thứ không cần thiết vào ba lô mang tới lớp. Đối với một số thứ to nặng, cồng kềnh như nhạc cụ, đạo cụ (nếu có), học sinh tiểu học nên bỏ riêng ra ngoài để xách tay nhằm “giảm tải” cho cặp sách, ba lô.
Bước tiếp theo là tối ưu các thứ học sinh tiểu học nên mang theo trong ba lô. Phụ huynh có thể theo dõi thời khóa biểu và hướng dẫn con mang theo sách của môn học cho ngày hôm đó, tránh tình trạng mang hết cả bộ sách.
Cha mẹ cũng cần nhắc nhở con dọn dẹp cặp sách, ba lô thường xuyên, bởi sau một thời gian, các giấy vẽ, bút màu mà trẻ đã sử dụng sẽ tích ở bên trong.
Ngoài ra, quy định của không ít nhà trường cũng có thể là một trong các nguyên nhân gián tiếp làm tăng “sức nặng” của ba lô trên lưng trẻ như: số môn học quá nhiều trong ngày, số lượng sách (sách giáo khoa, tham khảo, hướng dẫn…) ngày càng nhiều. Tủ chứa đồ cá nhân tại nhiều trường thì không có hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu, buộc trẻ phải mang sách đi về hàng ngày.
Nếu được, các trường nên thực hiện như nhiều trường ở TP.HCM, nhà trường yêu cầu học sinh bán trú để lại toàn bộ sách giáo khoa trong hộc bàn ở lớp để hạn chế tình trạng học sinh tiểu học “mang vác” ba lô đến lớp. Mỗi ngày, học sinh tiểu học chỉ mang theo một bộ đồ (để thay vào giờ ngủ buổi trưa), quyển vở dặn dò bao gồm những thông báo để phụ huynh theo dõi và một số sách vở hay dụng cụ cần thiết.
https://thanhnien.vn/cach-de-hoc-sinh-tieu-hoc-khong-mang-balo-nang-den-truong-18523090409194213.htm