Theo Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Bình Thuận, kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 năm nay kéo dài, lại đang mùa nóng, nên Mũi Né và một số điểm đến khác của Bình Thuận đón một lượng khách đông đúc.
Từ ngày 29.4 đến 3.5, khách đến Bình Thuận đạt con số hơn 160.000 lượt, gấp đôi so với năm ngoái.
Đây là con số kỷ lục kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay đối với du lịch Bình Thuận. Công suất phòng bình quân của cả tỉnh đạt từ 75 – 85%, riêng các resort ở khu vực Mũi Né hết công suất. Khách đi theo nhóm và gia đình, rất ít khách đi theo các tour lữ hành.
Anh Ngô Tiến Ninh, Giám đốc điều hành nhà hàng Cánh Buồm Vàng, cho biết dù tăng giá nhẹ, nhưng nhiều mặt hàng hải sản tươi sống ở Phan Thiết khan hiếm (chỉ cua, ghẹ tăng giá khoảng 30%, các loại khác không tăng giá). “Hầu như khách đi theo nhóm gia đình đều hỏi mua hải sản tươi sống để đem về sau kỳ nghỉ, nên hàng khan hiếm” – anh Ninh cho biết.
Giá phòng các resort ở Mũi Né tăng từ 30 – 40%, riêng một số khách sạn ở Phan Thiết tăng cao hơn. Còn ở khu vực TX.La Gi, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong tăng không đáng kể.
Đặc biệt, tại đảo Phú Quý (cách đất liền Phan Thiết 56 hải lý), do có tàu cao tốc di chuyển đến đảo chỉ hơn 2 giờ, nên lượng khách khám phá đảo năm nay khá đông. Theo thống kê, từ ngày 29.4 đến 3.5, khách đến đảo Phú Quý khoảng 10.000 lượt.
Theo phân tích của ông Trần Văn Bình – Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, sở dĩ năm nay Mũi Né đón lượng khách tăng cao dịp 30.4, 1.5 là do tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây vừa khánh thành, đưa vào vận hành ngày 29.4, rút ngắn khoảng cách từ TP.HCM đến Mũi Né chỉ 2,5 giờ, thay vì đi 5 – 6 giờ như trước theo QL1. Mặt khác, kỳ nghỉ này kéo dài đúng vào mùa nắng nóng, nên lượng khách đi theo gia đình hầu hết muốn đến biển để nghỉ dưỡng, tắm biển trong những ngày oi bức này.
Theo Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Bình Thuận, dịp nghỉ lễ 30.4 năm nay đã mang lại cho ngành du lịch Bình Thuận khoảng 230 tỉ đồng.