Theo báo cáo của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) gửi Cục Viễn thông, đến ngày 3/5, hai tuyến IA và SMW3 đã hoàn thành sửa chữa và hoạt động bình thường. Hai tuyến AAE-1 và AAG dự kiến sửa xong trong tháng 5, còn tuyến APG sẽ được khắc phục vào tháng 6.
Trong cuộc họp cuối tuần qua, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Viễn thông, cho biết vấn đề với cả năm tuyến cáp là “sự cố bất khả kháng, ảnh hưởng đến tất cả các nước đang khai thác những tuyến này”. Ngay sau sự cố, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo doanh nghiệp trong nước triển khai, phối hợp với các thành viên khác trong liên minh cáp quang để đo đạc, xác định vị trí sự cố, tìm cách khắc phục.
Nhiều giải pháp cũng được các nhà mạng Việt đưa ra nhằm ứng cứu, như điều tiết, giảm tải, đảm bảo lưu lượng quốc tế, ưu tiên dụng lượng theo khung giờ, mua thêm dung lượng trên đất liền. “Qua giám sát, trải nghiệm người dùng hiện tương đối ổn định, đáp ứng được yêu cầu”, ông Phúc cho biết.
Theo thống kê của Speedtest tính đến hết tháng 3, tốc độ Internet băng rộng cố định của Việt Nam đạt 91,24 Mbps, đứng thứ 40 trên thế giới.
Bộ Thông tin và Truyền thông xác định hạ tầng số là hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số. Vì vậy, một trong những tiêu chí đặt ra là tính bền vững. Theo Cục Viễn thông, đến 2030, Việt Nam dự kiến có thêm 4-6 tuyến cáp quang biển mới.
Hiện Internet Việt Nam kết nối qua năm đường cáp quang biển gồm APG, AAP, AAE-1, IA, SMW-3 với tổng dung lượng 18,7 Tbps. Nhà mạng Viettel cho biết đến cuối năm sẽ khai thác thêm tuyến ADC, còn VNPT tham gia vào tuyến SJC 2, cùng với dung lượng mở rộng 18 Tbps, nâng lưu lượng kết nối Việt Nam với quốc tế gấp nhiều lần.
Tại đại hội cổ đông cuối tháng 4, FPT Telecom cũng thông qua chủ trương đầu tư dự án cáp quang biển ALC, trở thành nhà mạng lớn tiếp theo của Việt Nam tham gia cuộc đua cáp quang biển.