Hiện nay, người dân ở xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đang bức xúc về việc, một đơn vị thi công làm đường vào Dự án thủy điện Nước Long đã dùng xe cơ giới, nhân lực phá đi gần 2.000 m2 rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham trái phép.
Thi công mở đường trái phép trong rừng phòng hộ.
Ngày 12/4, đi từ trung tâm xã Ba Ngạc đến khu vực dự án thủy điện Nước Long, sau gần 2 giờ đồng hồ di chuyển, chúng tôi đến khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham.
Trước mắt chúng tôi, một con đường đất dài hơn 300m, rộng chừng 5m được thực hiện bằng cách cày ngang núi đồi, hạ rừng phòng hộ để mở đường. Vì thế, một góc rừng lớn với nhiều cây gỗ hàng chục năm tuổi bị đốn hạ trơ gốc và nhiều khoảnh rừng nguyên sinh sau khi bị đơn vị thi công múc đất, đá tạo thành bờ vực cao. Một số cây rừng tự nhiên bị cưa hạ vẫn còn trơ gốc, nhiều cây, nhánh bị gãy, đổ nằm ngay lối đi vào dự án thủy điện. Đất đá tràn xuống suối nguy cơ làm thay đổi dòng chảy và tiềm ẩn sạt lở đất vào mùa mưa bão.
Ông Phạm Văn T. – người dân xã Ba Ngạc cho biết, khu vực đơn vị thi công là rừng nguyên sinh, có nhiệm vụ giữ nguồn nước ngầm và chống sạt lở đất, đá vào mùa mưa bão. Tuy nhiên thời gian qua ông thấy đơn vị thi công làm đường đã san ủi, đốn hạ nhiều cây cối để mở đường chở nguyên vật liệu vào xây dựng dự án thủy điện Nước Long.
“Việc san ủi rừng nguyên sinh, triệt hạ cây cối để mở đường không biết đã được các ngành chức năng cấp phép hay chưa bởi phá rừng khi mùa mưa bão về sẽ dẫn đến tình trạng sạt lở đất đá. Do đó các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, xác minh để có biện pháp xử lý” – ông T. nói.
Ông Phạm Văn Thương – Chủ tịch UBND xã Ba Ngạc cho biết: Vị trí làm đường rất xa đường quốc lộ, xa khu dân cư, lại nằm giữa rừng sâu, họ làm lén lút vào ngày thứ 7, chủ nhật, thậm chí làm vào ban đêm nên địa phương không thể kiểm soát được, dẫn đến không phát hiện kịp thời để ngăn chặn, xử lý vụ việc. Còn khi phát hiện chính quyền xã đã báo cáo với UBND huyện Ba Tơ để có hướng xử lý vì vụ việc nằm ngoài thẩm quyền của xã”.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Quảng Ngãi: “Ngày 15/3/2023, Sở NNPTNT tổ chức kiểm tra hiện trường việc thi công Dự án Thủy điện Nước Long với thành phần: Sở NNPTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm, UBND huyện Ba Tơ, Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ tỉnh, UBND xã Ba Ngạc, Công Ty CP Thủy điện Nước Long – Đức Bảo. Qua kiểm tra, đoàn liên ngành xác định, diện tích rừng bị đào bới 1.747m2 làm thành tuyến đường có chiều rộng khoảng 5m, chiều dài trên 300m tại lô 11, khoảnh 8, tiểu khu 371 và lô 4, khoảnh 5, tiểu khu 375 xã Ba Ngạc. Hiện trạng là đất núi rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham thuộc BQL rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi quản lý.
Diện tích trên đối chiếu với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở TNMT cấp ngày 7/3/2022 cho Công ty CP Thủy điện Nước Long – Đức Bảo tại thửa đất số 48 tờ bản đồ địa chính số 7 thì diện tích rừng bị phá là 1.747m2 nằm ngoài ranh giới.
Ông Phạm Duy Hưng – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Nước Long – Đức Bảo thừa nhận việc mở đường, san ủi gây thiệt hại đến rừng tự nhiên phòng hộ trái pháp luật tại địa chỉ và diện tích nói trên.
Cụ thể, Công ty CP Thủy điện Nước Long – Đức Bảo ký hợp đồng xây dựng hạng mục thi công – hầm bổ sung nước 2, của Dự án Thủy điện Nước Long với Công ty CP xây lắp điện Đức Bảo Kon Tum, công ty này ký hợp đồng nhân công với bên nhận khoán là ông Vũ Văn Hào (ở xã Đắk DRô, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông) để thi công hạng mục san gạt đường vào Đập bổ sung nước 2.
Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ xác định, ông Vũ Văn Hào trong quá trình thi công đã tự ý san gạt cây rừng, đào lấn vào diện tích rừng phòng hộ và đào, đắp đất lên tạo thành mặt đường, đã gây thiệt hại đến diện tích rừng phòng hộ. Ông Hào đã thừa nhận việc tự ý thi công của mình không đúng theo mốc giới mà Công ty CP xây lắp điện Đức Bảo Kon Tum bàn giao tại hiện trường nên đã gây thiệt hại đến diện tích rừng phòng hộ.
Được biết, ngày 17/3 ông Vũ Văn Hào đã thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, với số tiền phạt là 87,5 triệu đồng và chấp nhận tiếp tục thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trồng lại rừng trên diện tích vi phạm trong thời gian tới.