Mỗi năm, vào dịp sinh nhật Người, cả dân tộc Việt Nam lại tưởng nhớ về vị Chủ tịch muôn vàn kính yêu với lòng biết ơn sâu sắc. Lòng biết ơn đó không chỉ bắt nguồn từ cống hiến của Người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa mà còn vì Người chính là hình mẫu về con người đẹp nhất.
Yêu Bác để có niềm tin hành động đúng đắn
Hồ Chí Minh, như chính Người đã nói bằng lời và bằng hành động: “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Để thực hiện ham muốn đó, Người đã kiên quyết, kiên trì gắn kết độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Đi theo con đường do Người vạch ra, dân tộc Việt Nam đã làm nên nhiều kỳ tích trong thế kỷ 20.
Tuy nhiên, lịch sử luôn có khúc quanh. Sự thoái trào của phong trào cộng sản thế giới hiện nay đã làm không ít người hoài nghi, thậm chí phủ định tương lai của chủ nghĩa xã hội. Điều Người căn dặn trong tác phẩm Đường Kách mệnh, rằng người cách mạng phải “giữ chủ nghĩa cho vững” lúc này có tính thời sự hơn bao giờ hết. Yêu Bác, chúng ta khắc ghi điều mong muốn cuối cùng của Người là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Ước nguyện của Người cũng là mong ước của mỗi người con yêu nước nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, Người đã lường trước: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.
Người nhấn mạnh ba lần chữ toàn dân như nhắn nhủ: Chính nhân dân và sự đoàn kết của nhân dân sẽ quyết định sự thành bại của sự nghiệp này. Vậy ai là dân nếu không phải là mỗi chúng ta? Công cuộc đó vì ai nếu không phải vì chính chúng ta? Thương Người đến hơi thở cuối cùng vẫn nặng lòng vì dân, vì nước, mỗi chúng ta phải ý thức về bổn phận công dân của mình trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc. Lý tưởng, ước nguyện của Hồ Chí Minh giúp chúng ta vững vàng trong cuộc sống – cái vững vàng của người có niềm tin và phương hướng hành động đúng đắn. Đó chính là sức mạnh tinh thần to lớn giúp ta sống một cuộc đời hữu ích.
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời đã viết: Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong như ánh sáng. Sự nghiệp Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh chiến thắng chính vì đạo đức của Người đã thuyết phục được cả dân tộc và nhân loại tiến bộ. Qua tấm gương của Người, chúng ta nhận ra rằng: Nhà đạo đức đích thực chính là người gieo được những hạt mầm đạo đức vào tâm hồn nhân dân. Nhân cách của Người, sự dìu dắt của Người đã làm xuất hiện “lứa cán bộ vàng” của cách mạng Việt Nam. Nếu “một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ” (V.I.Lênin) thì một con người cũng chỉ có giá trị khi biết tự bảo vệ mình trước sự tha hóa của chính mình.
Trong cuộc sống hôm nay, sự vật lộn để tồn tại và khát khao làm giàu đã làm không ít cá nhân sao nhãng việc rèn luyện đạo đức. Trong quy mô xã hội, sự tập trung vào các mục tiêu kinh tế, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng để khắc phục nguy cơ tụt hậu và mặt trái của nền kinh tế thị trường đã dẫn đến tình trạng xem nhẹ vấn đề giáo dục đạo đức. Sự yếu kém về đạo đức làm con người không thể phát triển toàn diện và xã hội không thể phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, việc học tập và làm theo tấm gương mọi mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành yêu cầu cấp thiết, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chỉ thị 05 ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kết quả học của mỗi người lại phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan như: Có thực sự muốn học hay không, có đủ nghị lực để học không, có sự đồng điệu về quan điểm nhân sinh, thẩm mỹ để thấu cảm Bác hay không? Chắc chắn, đến bên Người, suy ngẫm về Người thì ai cũng có thể học được từ Người một điều gì đó nhưng chỉ những người có đạo đức, có tâm hồn trong sáng, có nét đồng điệu với Bác mới có thể “yêu Bác” thực sự, bền bỉ và có đủ quyết tâm, nghị lực để biến yêu thương thành hành động. Vì thế, vươn tới được Người, hiểu được triết lý, đạo lý của Người cũng chính là biểu hiện của đạo đức.
Ngày nay, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ phải thực tâm hiểu rằng: Dù thời chúng ta đang sống có nhiều biến đổi so với thời Bác đã sống nhưng chúng ta vẫn học được rất nhiều từ Bác. Ta học ở Bác cái tình với dân, với nước, cái trí của sự học hỏi không ngừng, cái tâm nhân ái khoan dung, cái linh hoạt khi ứng xử với việc, cái khéo léo khi ứng xử với người… Cán bộ phải học tinh thần tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của con người luôn ý thức sâu sắc về sứ mệnh của mình: “Vì yêu mến và tin cậy tôi, mà đồng bào giao vận mệnh nước nhà, dân tộc cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân”.
Học tập Bác, cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo, phải ý thức rõ về trách nhiệm hoàn thành tốt bổn phận, chức trách được giao. Mỗi người cũng phải học Bác phẩm chất “nói ít, làm nhiều”, chú trọng việc lập thân hơn việc lập ngôn để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người đi vào thực chất.
Hiến dâng trọn đời mình cho nền độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại hình mẫu lý tưởng về văn hóa làm người, văn hóa lãnh đạo và thắp lên trong con người khát vọng tự hoàn thiện. Điều lạ lùng và tuyệt vời ở chỗ: Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức nhưng tấm gương sáng ấy, tượng đài vĩ đại ấy không làm ta có cảm giác bị đè xuống, bị át đi mà lại nâng chúng ta lên, hướng chúng ta tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Cho dù không ai có thể trở thành một Hồ Chí Minh thứ hai nhưng ai cũng có thể học ở Bác một điều gì đó để trở nên tốt đẹp hơn.