Xã hội
Nâng tầm giá trị sản phẩm từ chỉ dẫn địa lý nước mắm Nam Ô
Sau 3 năm thực hiện đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô” gắn với phát triển du lịch, mới đây nước mắm Nam Ô đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, trở thành 1 trong 3 vùng chỉ dẫn địa lý nước mắm tại Việt Nam. 

Chỉ dẫn địa lý này góp phần quan trọng trong việc bảo tồn di sản cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nâng tầm giá trị cho sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống của địa phương. 

Khu vực địa lý của nước mắm Nam Ô được công nhận tại các khối phố thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nước mắm chỉ dùng 2 nguyên liệu chính là cá cơm than và muối biển Sa Huỳnh hoặc muối Cà Ná, được trộn theo tỷ lệ thích hợp và ủ từ 12 tháng đến 16 tháng. Nước mắm có màu nâu cánh gián, vị mặn, hậu ngọt đậm kéo dài, mùi thơm dịu đặc trưng.

Ông Trần Ngọc Vinh – Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng:  

“Mắm 10-12 tháng nó có độ thơm mà ít có vị ngọt, nhưng mắm 16 tháng đến 2 năm có vị ngọt vì cái chất ni-tơ, chất thịt nó phân hủy hết, nhưng hương vị nó không thơm bằng mắm 10 tháng, 12 tháng. Từ đó bà con dần dẩn rút kinh nghiệm đến ngày hôm nay.”

Hiện nay, làng nghề nước mắm Nam Ô được duy trì với 71 thành viên, trong đó có 3 hợp tác xã, 10 cơ sở chế biến, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng. Mỗi năm, sản lượng nước mắm tiêu thụ đạt từ 200 đến 300 ngàn lít. 

Bà Phạm Thị Hải Nguyệt – Cơ sở sản xuất nước mắm Hiệp Hải, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng:

“Khi mà có chỉ dẫn địa lý rồi thì nói chung người tiêu dùng biết về làng nước mắm Nam Ô rất là nhiều. Hơn nữa họ nhìn lên chỉ dẫn địa lý thì họ thấy, họ biết được làng Nam Ô có 1 cái đặc sản làm nghề mắm.”

 Ông Trần Công Nguyên – Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng: 

“Chúng tôi tiếp tục nhiều cái hoạt động để xây dựng thương hiệu hơn nữa, tiếp tục hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, cơ sở để làm sao phát huy tối đa cái lợi thế khi đã được Sở hữu trí tuệ. Câu chuyện khai thác vừa phát triển sản phẩm vừa kết hợp du lịch cộng đồng là 1 cái chương trình chúng tôi đã xd đề án và đang triển khai.”

Trong giai đoạn tới, thành phố Đà Nẵng tập trung mở rộng quy mô làng nghề theo hướng phát triển ổn định, bền vững. Bên cạnh đó là hỗ trợ các hộ sản xuất tham gia chuỗi OCOP, các hội chợ, giao thương kết nối thị trường tiêu thụ.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục