Tối 17/5, một cụ bà 82 tuổi ở thành phố Dĩ An, Bình Dương bị chó Pitbull nặng khoảng 30 kg cắn tử vong. Trong lúc con gái cụ đưa chó đi dạo trước hiên, cụ bà từ trong nhà gọi vọng ra và bị con chó lao vào cắn vùng mặt. Người thân chạy vào can thiệp nhưng không kịp, nạn nhân tử vong sau đó chừng hai phút.
Tối 28/8 năm ngoái, tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, trong lúc cho chó ăn, chủ nhà bất ngờ bị chó Pitbull nặng 40 kg tấn công, cắn nhiều nhát vào cơ thể. Sau 2 ngày điều trị, do vết thương quá nặng, nạn nhân không thể qua khỏi.
Cũng trong năm ngoái, ngày 22/7, bé trai 8 tuổi ở Bình Phước đã bị chó Pitbull nặng hơn 30 kg đang xích sau nhà của hàng xóm vồ tới tấn công, cắn vào tay và cổ. Do vết thương nặng nên bé trai đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Những vụ việc tương tự đã xảy ra trong những năm trước đó, khi người dân bắt đầu nuôi các giống chó dữ. Nạn nhân thường bị thương rất nặng dẫn đến tử vong.
Đang xây dựng Thông tư quản lý chó, mèo
Trong danh sách 10 giống chó nguy hiểm nhất đối với con người thì Pitbull xếp vị trí đầu tiên. Sau những sự việc này, trên các diễn đàn, nhiều người dân, chuyên gia đều đề xuất Việt Nam cấm nuôi chó dữ. Nếu không cấm thì cần xem xét đưa vào dạng quản lý, kiểm soát đặc biệt. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đơn vị đang có kế hoạch xây dựng một thông tư mới về quản lý chó mèo.
Ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết: “Về vấn đề quản lý chó mèo, Luật Chăn nuôi và Luật Thú y có những quy định quản lý chặt chẽ. Thêm việc nữa là quản lý từ địa phương, toàn bộ việc chăn nuôi chó đều được quản lý từ cơ sở. Nếu một con chó được nuôi trên địa bàn thì bắt buộc phải khai báo, tiêm phòng vaccine đầy đủ, rọ mõm khi ra đường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn xảy ra một số vấn đề. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay Cục Chăn nuôi đang xây dựng một thông tư quản lý động vật khác, trong đó có chó mèo, để ban hành trong khoảng cuối năm 2023 hoặc đầu 2024”.
Cục Chăn nuôi cũng cho biết, đơn vị sẽ căn cứ vào các văn bản quy định của pháp luật, dựa vào cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và thông lệ quốc tế để đưa ra các biện pháp quản lý nuôi chó dữ nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân và cộng đồng.
Pháp luật hiện quy định, chủ nuôi chó mèo bắt buộc phải tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho động vật; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng… thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Với những trường hợp chó dữ tấn công người khác, chủ nuôi chó sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người bị tấn công, thậm chí tùy mức độ thiệt hại chủ nuôi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.