Xã hội
Tận dụng rác thải hữu cơ để tạo thành nước rửa chén sinh học
Nước rửa chén sinh học đang ngày càng trở thành lựa chọn phổ biến trong đời sống hàng ngày. Sự kết hợp giữa hiệu quả làm sạch và an toàn cho sức khỏe đã khiến sản phẩm này trở thành giải pháp lý tưởng cho những gia đình hiện đại.

Nắm bắt nhu cầu đó, một chàng trai ở quận Cái Răng, TP. Cần Thơ đã tận dụng rác thải hữu cơ để tạo thành nước rửa chén sinh học.

Anh Đỗ Hồng Xuân, ngụ tại phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ đã tận dụng những phế phẩm hữu cơ là vỏ trái cây để tạo thành nước rửa chén sinh học.

Anh Xuân chia sẻ, với xuất phát là sinh viên ngành quản lí tài nguyên và môi trường, nhận thấy chợ nổi Cái Răng là một trong những nơi cho ra nhiều rác thải hữu cơ không được tận dụng, anh đã nghiên cứu ra nước rửa chén làm từ vỏ trái cây.

 Anh Đỗ Hồng Xuân – Quận Cái Răng, TP.Cần Thơ

“Cũng có một số khó khăn nhất định vì lí do mình làm thủ công khá là nhiều, cái mô hình của mình làm bằng sức người tay chân khá là phổ biến á, cho nên cái hiệu quả sản xuất của mình chưa được cao.”

 Với nguồn nguyên liệu từ vỏ cam và vỏ khóm thu thập tại chợ, anh Xuân đã làm sạch để loại bỏ chất bẩn, giúp quá trình lên men diễn ra thuận lợi và tránh làm hỏng nguyên liệu. Theo anh, quy trình từ khi ngâm ủ đến khi có sản phẩm sử dụng ít nhất phải mất 3 tháng. Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm, sản phẩm của anh thường nặng mùi và không bảo quản được lâu. Tuy nhiên, không nản lòng, anh đã vận dụng kiến thức đã học, tìm hiểu quy trình sản xuất nước rửa chén để từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất.

 Anh Đỗ Hồng Xuân – Quận Cái Răng, TP.Cần Thơ

“Sắp tới đầu tiên thì cũng mở rộng mô hình sản xuất của mình, nếu có sự hỗ trợ đầu tư của các bên thì sẽ cố gắng đầu tư thêm các thiết bị về khuấy trộn, cũng như là một số dụng cụ chiết rót sản phẩm ra và đặc biệt là mình đầu tư máy sục khí oxi vào để giảm cái mùi của sản phẩm.”

 Hiện nay, trung bình mỗi ba tháng, anh Xuân sản xuất được hơn 200 lít nước rửa chén, với giá bán là 30.000 đồng mỗi lít. Theo anh, thời gian sản xuất phụ thuộc vào loại vỏ trái cây sử dụng, cũng như thời gian ủ và lên men tự nhiên, có thể kéo dài từ 40 đến 45 ngày, thậm chí lên đến 3 tháng. 

Hiện tại, sản phẩm của anh chủ yếu được tiêu thụ qua các khách hàng quen thuộc và trong các cuộc hội thảo, hội nghị khoa học diễn ra trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục