Xã hội
Tận dụng vỏ trứng để làm tranh sen độc đáo
Với mong muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, em Phạm Tuấn Kiệt – học sinh Trường Tiểu học Lai Thành A, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã tận dụng những vỏ trứng để tạo nên những bức tranh sen độc đáo.

Sinh ra trong gia đình có mẹ là giáo viên mỹ thuật, nên từ nhỏ Kiệt đã bộc lộ năng khiếu hội họa. Ngoài những giờ học trên lớp, luyện bài tại nhà, em còn dành thời gian để phác thảo và dùng phụ phẩm nông nghiệp, tái chế rác sinh hoạt hàng ngày, tạo nên những bức tranh với sắc màu độc đáo. 

Chị Phạm Thanh Tâm – Mẹ của em Phạm Tuấn Kiệt, xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

“Tôi thì là phụ huynh, đồng thời cũng là một giáo viên mỹ thuật ở trường, nên trong quá trình làm, tôi cũng giúp đỡ con, đặc biệt là ở giai đoạn xử lý vỏ trứng. Tôi hướng dẫn các con nướng vỏ trứng để đạt được màu như ý. Đấy, và công đoạn này rất quan trọng vì nó sẽ gây bỏng. Để nướng được vỏ trứng theo ý của mình, nếu mà mình nướng kỹ hơn thì vỏ trứng sẽ đậm hơn; còn nướng nhạt hơn thì vỏ trứng sẽ nhạt hơn, do độ đậm nhạt của mình và do tương quan màu sắc ấy. Để đạt cho bức tranh làm sao cho bố cục hài hòa và màu sắc cân đối.”

Cô Nguyễn Thị Hằng – Giáo viên Trường Tiểu học Lai Thành A, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

“Thì những vỏ trứng đó, nếu như xung quanh chúng ta ăn mà chúng ta vứt ra nhiều, thì nó sẽ ô nhiễm đến môi trường. Làm cái này thì lại không mất tiền, cho nên tôi cũng quyết định tham khảo cùng với em ấy để chọn cái chủ đề đấy mình làm.”

Với người dân Việt Nam, sen là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết, thanh cao, nên Kiệt rất thích loại hoa này. Cũng từ đó, em đã tái chế vỏ trứng gà, trứng vịt, bìa carton thành nguyên liệu làm nên bức tranh Hương Sen. Nhằm tạo điểm nhấn riêng cho bức tranh, em đã rắc thêm kim tuyến màu vàng vào phần nhụy hoa, tạo hiệu ứng lấp lánh. 

Em Phạm Tuấn Kiệt – Học sinh Trường Tiểu học Lai Thành A, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

“Để làm một bức tranh đẹp như thế này, em làm qua năm bước. Bước một, em nhặt vỏ trứng, sau đó nướng để tạo màu. Bước hai, em xịt sơn bìa carton, sau đó, em dùng vật liệu để phác thảo những hình ảnh em muốn thể hiện. Bước ba, em dùng keo sữa gắn các hình ảnh, gắn các vỏ trứng theo hình ảnh đã phác họa. Bước bốn, em tạo hình ảnh phụ liên kết không gian với hình ảnh chính. Bước năm, em hoàn thiện sản phẩm. Em muốn sản phẩm của em có thể góp phần bảo vệ môi trường.”

Sản phẩm tranh Hương Sen làm từ vỏ trứng của em Phạm Tuấn Kiệt đã đạt giải nhì và giải các mô hình đẹp nhất tại cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp huyện năm 2024”. Để tiếp tục lan tỏa thông điệp “Hãy sử dụng những vật liệu bỏ đi, vật dụng tái chế được để làm ra sản phẩm có ích, góp phần bảo vệ môi trường”, Tuấn Kiệt đã và đang tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều bức tranh sen từ những nguyên liệu tái chế độc đáo và ý nghĩa.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục